Nguồn cung hoa quả đặc sản giảm
Biến đổi khí hậu gây hạn hán tại Nam Bộ đang tác động không nhỏ đến năng suất, chất lượng của trái cây, nông sản khu vực này.
Theo khảo sát của phóng viên tại hệ thống các siêu thị của Hà Nội, các loại hoa quả miền Nam như xoài, sầu riêng, măng cụt, mãng cầu... vẫn có hàng nhưng chất lượng không cao, quả nhỏ, vị không đậm và thơm ngon như trước. Tại hệ thống siêu thị Fivimart, các mặt hàng cam, quýt của miền Nam hầu như không có hàng.
Tại siêu thị Vinmart, người tiêu dùng lưỡng lự chọn quả bơ vì trái nhỏ. |
Còn bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cho biết: “Tình hình khô hạn của miền Nam ảnh hưởng khá nhiều đến nguồn cung của chúng tôi. Giá tăng trong khi chất lượng lại kém. Chẳng hạn quả bơ hiện tại giá trên 60.000 đồng/kg mà trái lại nhỏ. Bưởi và quýt giữ giá cao. Những loại quả đặc sản này tuy giá cao nhưng bán vẫn tốt”.
Tại các chợ và cửa hàng hoa quả lớn tại Hà Nội, nguồn cung hoa quả miền Nam giảm nhưng giá chỉ tăng nhẹ do thị trường hoa quả được bổ sung thêm nguồn cung từ miền Bắc, miền Trung và nhập khẩu. Bà Nga, chủ quầy bán hoa quả nhiệt đới tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi nhập hàng qua trung gian thương lái nên không rõ lắm về biến động nguồn cung. Ngoài các loại hoa quả nhiệt đới có xuất xứ từ phía Nam, thị trường hiện có rất nhiều hoa quả miền Bắc như chuối tiêu, đu đủ, cam miền Bắc, ổi... và các loại hoa quả nhập ngoại như táo, lê New Zealand, lê Nam Phi, lê Hàn Quốc, nho Mỹ...”.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: Trong các siêu thị ở Hà Nội hiện nay, kể cả các siêu thị nội và siêu thị ngoại, chủng loại hoa quả khá phong phú, cùng với các mặt hàng táo, lê chủ yếu là nhập ngoại còn có các mặt hàng hoa quả trong nước. Giá hoa quả nội khá cao không chỉ do biến động mùa vụ, thời tiết mà còn do bất cập của hệ thống phân phối.
“Một kg cam sành ở miền Nam thu mua là 30.000 đồng, vận chuyển ra miền Bắc giá lên đến hơn 60.000 đồng, mức giá này do sự bất hợp lý của hệ thống phân phối là chính chứ không hoàn toàn do nguyên nhân biến động thời tiết.”, ông Phú nói.
Chủ động nguồn hàng thay thế
Theo các chuyên gia, thị trường trái cây giữa các vùng miền có tính bổ sung về chủng loại và mùa vụ. Miền Nam có các loại chủ lực như cam sành, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... Miền Bắc chủ yếu có nhãn, vải... Miền Trung có bưởi, ổi, doi... Do vậy, có thể điều tiết các nguồn cung của các miền để đảm bảo ổn định thị trường trái cây. Tuy nhiên, điểm khó hiện nay là miền Bắc chưa vào giữa hè là chính vụ trái cây nên các loại trái cây như mận, nhãn, vải bị thiếu hụt.
Lễ hội cây trái ngon và an toàn năm 2016 của huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã phải hủy bỏ do ảnh hưởng của thiên tai, hạn, mặn, không còn nhiều trái cây ngon. Theo UBND huyện Chợ Lách, trên địa bàn có 2.000 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Những loại trái cây đặc sản của Bến Tre như măng cụt không ra hoa, sầu riêng bị cháy lá và rụng trái. |
Bà Vũ Thị Hậu cho biết, Fivimart đã tăng cường các nguồn cung từ nhập khẩu, tuy nhiên không thể thay thế cho các loại trái cây đặc sản của miền Nam. Giờ chỉ còn biết trông chờ thời tiết tốt lên để nguồn cung từ miền Nam tăng.
Theo ông Vũ Vinh Phú, từ thực tế hiện nay, cần có giải pháp dài hạn về phát triển các vùng chuyên canh trái cây để thích nghi với biến đổi khí hậu. “Ở phía Nam, sau khi hết mặn, hết hạn rồi cần phải khôi phục lại vườn cây, trồng lại cây để bù đắp vào vụ năm sau. Miền Bắc phải thâm canh tăng năng suất, tăng chất lượng, phải có quy hoạch tốt, có hệ thống trung chuyển, phân phối hợp lý. Nước ta rất có lợi thế về khí hậu để phát triển nhiều loại trái cây nhưng lại gặp khó khăn về thiên tai như lũ lụt, hạn hán, ngập mặn. Bởi vậy, công tác khôi phục cây trồng sau thiên tai, có quy hoạch và hệ thống phân phối tốt là những điều vô cùng quan trọng”, ông Phú nói.
Về dài hạn, để đảm bảo ổn định nguồn cung trái cây trong nước, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Bộ sẽ tập trung vào các nội dung chủ yếu như đàm phán nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xây dựng các kênh phân phối để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người nông dân và hợp đồng xuất khẩu.