Quan trắc trên sông Tiền tại khu vực cống Vàm Giồng độ mặn lên đến 6,6 phần nghìn. Hạn hán khốc liệt và xâm nhập mặn sâu đe dọa toàn vùng ven biển Gò Công bao gồm các huyện, thị: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công và Tân Phú Đông.
Các địa phương nằm bờ Bắc sông Tiền: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công lâu nay được bảo vệ bởi hệ thống đê bao, cống đập ngăn mặn của dự án ngọt hóa Gò Công cũng phải vất vả chống đỡ thiên tai, huống chi huyện cù lao Tân Phú Đông nằm kẹp giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại (sông Tiền) một mặt tiếp giáp Biển Đông. Khi cống Vàm Giồng (Gò Công Tây) phải đóng ngăn mặn bảo vệ cho nội đồng vùng ngọt hóa Gò Công thì phía Tân Phú Đông, huyện cù lao dường như đã bị bao vây giữa bốn bề nước mặn.
Nhằm giải quyết “vấn nạn” thiếu nước sinh hoạt triền miên mỗi khi mùa khô đến, tỉnh Tiền Giang đã quyết định đầu tư hơn 68,5 tỷ đồng xây dựng công trình cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho khoảng 30.000 hộ dân ở huyện Tân Phú Đông và một phần huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). |
Chúng tôi về tận ấp Phú Hữu, xã Phú Tân, một trong những xã miền biển của huyện Tân Phú Đông. Con đường xuyên cù lao thẳng hướng biển Đông băng ngang qua cánh đồng trơ trọi, nắng hầm hập, nhức mắt. Hai bên đường, lác đác những mái nhà nho nhỏ trơ trọi phơi mình dưới nắng trưa. "Hầu như không thấy màu xanh cây cỏ. Hoa màu, có chăng chỉ cây sả có thể sống được nhưng giờ cũng đã cháy đỏ trơ trọi hết cả", chị Nguyễn Thị Tư, một nông dân ven đường phân trần khi được hỏi về tình hình sản xuất, đời sống những ngày qua.
Ấp Phú Hữu, xã Phú Tân cũng là một trong những địa bàn nổi tiếng với mô hình sản xuất luân vụ tôm - lúa thích ứng biến đổi khí hậu của tỉnh Tiền Giang. Tại đây, đã hình thành Tổ hợp tác nông - thủy sản Phú Tân chuyên sản xuất theo mô hình trên với 23 tổ viên, 87 ha đất. Anh Hà Văn Hải, một nông dân điển hình làm giàu từ mô hình tôm - lúa của huyện Tân Phú Đông, nay là tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, hạn hán gay gắt và xâm nhập mặn dữ dội gây nhiều thiệt hại cho sản xuất của tổ viên.
Ruộng mía bị "cháy" hết ngọn và lá dưới nắng hạn gay gắt ở Tân Phú Đông (Tiền Giang). |
Theo anh Hà Văn Hải, trong điều kiện bình thường, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, ít sợ ảnh hưởng hạn mặn. Năm nay lại khác, trong tháng 1 và 2, độ mặn trên các kênh rạch lấy nước lên đến 23 phần nghìn (trong khi cùng kỳ chỉ ở mức 15 phần nghìn) và duy trì, không giảm. Độ mặn cao quá nên tôm, cua nuôi trong ao bị chết nhiều, thiệt hại lớn cho người nuôi. Bản thân anh Hải có 11 ha nuôi theo mô hình tôm + lúa, ước thiệt hại cũng trên 50%.
Sản xuất đã vậy, nước sinh hoạt càng khó khăn, nan giải hơn. Ở Phú Tân, các ấp Phú Hữu, Cồn Cống, Pháo Đài tiền tiêu giáp biển, dân cư thưa thớt, nhiều nơi quá xa nên đường ống cấp nước nông thôn chưa thể vươn tới. Người dân phải mua nước từ tư nhân với giá 120.000 đồng/m3, cao gần gấp đôi mùa khô năm trước. “Cuộc sống của những người bám trụ đầu sóng, ngọn gió này khó khăn đủ mọi bề”, ông Nguyễn Văn Trung, một nông dân Phú Tân than thở.
Đó cũng là tình trạng chung của nhiều xã trên địa bàn huyện. Trong số 11.477 hộ dân huyện Tân Phú Đông, thống kê chỉ có trên 6.000 hộ dân có hợp đồng sử dụng nước từ hệ thống cấp nước nông thôn. Gần 6.000 hộ dân còn lại chưa có nước sinh hoạt từ hệ thống sẽ phải mua nước sinh hoạt với giá đắt đỏ.
Thấy trước điều đó, nhiều năm nay địa phương tích cực chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, cho biết diện tích sản xuất theo mô hình một vụ tôm + một vụ lúa/năm đã mở rộng lên gần 600 ha, vùng trồng chuyên canh sả trên nền đất lúa ven biển khoảng 800 ha. Ở ven biển Tân Phú Đông, nhiều năm nay nông dân đã không trồng lúa vụ đông xuân để giảm thiệt hại, thay bằng những cây trồng vật nuôi khác có hiệu quả hơn.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông, địa phương đề ra nhiều giải pháp tích cực đảm bảo sản xuất, giải quyết nước sinh hoạt phục vụ nhân dân. Huyện mở 20 vòi cấp nước miễn phí cho nhân dân những vùng sâu, xa từ tháng 3 đến hết tháng 6/2016. Tính đến ngày 14/4, lượng nước cấp miễn phí qua các vòi trên gần 3.200 m3. Tuy nhiên, nguồn cung cấp nước tại chỗ của Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước nông thôn Tiền Giang trên địa bàn huyện Tân Phú Đông khó đảm bảo bởi các ao chứa trữ nước của đơn vị đang cạn kiệt.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, cho biết trước thực trạng trên, từ ngày 20/3 tỉnh phải triển khai phương án điều sà lan chở nước ngọt từ thành phố Mỹ Tho (cách gần 50 km) về phía thượng nguồn khẩn cấp đưa về bổ cấp các ao chứa của công ty trên đia bàn phân phối cho nhân dân. Từ khi triển khai đến nay, đã tiếp nhận tổng cộng 38 chuyến sà lan với trên 47.000 m3 nước thô.
Tiền Giang còn triển khai nhanh dự án xây dựng tuyến ống đưa nước ngọt từ hệ thống nước ngọt của nhà máy nước Đồng Tâm (thành phố Mỹ Tho) với tổng vốn đầu tư khoảng 68 tỷ đồng. Theo ông Huỳnh Công Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Tiền Giang, tuyến ống của dự án dài khoảng 11 km sẽ phục vụ khoảng 30.000 hộ dân. Dự kiến khoảng 9.000 m sẽ được hoàn thành trước 30/4/2016. Tất cả nỗ lực nhằm giúp Tân Phú Đông vượt qua thiên tai hạn mặn, ổn định sản xuất và đời sống trong tương lai.