Đặc biệt, Cục Hàng không Việt Nam vừa được cấp Chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho phép doanh nghiệp hàng không Việt Nam có thể khai thác đường bay thẳng tới Mỹ. Điều này dự báo thị trường hàng không trong thời gian tới sẽ cực kỳ sôi động với nhiều xung lực mới để phát triển. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng đặt ra những thách thức đi kèm về hạ tầng, dịch vụ hàng không cần phải nhanh chóng giải quyết.
Thêm lựa chọn cho người dân
Còn nhớ khi hãng hàng không giá rẻ Vietjet bắt đầu khai thác vào cuối năm 2011, thị trường hàng không trong nước gần như có sự sang trang, thế độc quyền bị phá vỡ. Từ một loại phương tiện giao thông chỉ dành cho giới doanh nhân hay những người dân có thu nhập cao, thì hiện nay, hàng không đã trở nên thông dụng, cơ hội đi máy bay rộng cửa với tất cả người dân nhờ giá vé rẻ, thậm chí có thời điểm còn thấp hơn cả vé ô tô, tàu hỏa.
Anh Nguyễn Văn Sơn, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, anh vừa đưa cả gia đình gần 10 người đi du lịch Nha Trang bằng đường hàng không, đặc biệt là nhiều thành viên trong giai đình lần đầu tiên được đi máy bay. Điều này cách đây chỉ 5, 6 năm anh không bao giờ nghĩ có thể thực hiện được. Chỉ khi thị trường trong nước có thêm nhiều hãng bay khai thác với giá vé rẻ nên anh mới thực hiện hóa được ý định trên.
Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng chính sự xuất hiện của hàng không giá rẻ, đặc biệt là Vietjet cách đây 8 năm đã tạo điều kiện cho những người cả đời chưa bao giờ được đi hàng không có điều kiện để đi.
Đánh giá về việc có thêm hãng hàng không tham gia thị trường, ông Lê Cao Cường, Giám đốc Công ty Luật An Viên (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, khi có nhiều hãng hàng không tham gia khai thác tại một thị trường, hành khách có cơ hội sử dụng phương tiện vận chuyển hàng không với mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của từng phân khúc, tăng nguồn cung và đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Cục Hàng không Việt Nam cho hay, năm 2018, thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, theo đó sản lượng hành khách của các hãng hàng không Việt nam đạt trên 50 triệu hành khách tăng 14% và gần 400.000 tấn hàng hóa tăng 26% so với năm 2017. Các hãng hàng không nội địa gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar, Vasco, Hải Âu và tân binh Banboo Airways hiện đang khai thác 48 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với 18 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục – nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, hiện các quốc gia trong khu vực đều có nhiều hãng nội địa tham gia thị trường, ví dụ như Indonesia có 15 hãng, Thái Lan có 13 hãng, Malaysia 6 hãng… Trong khi đó Việt Nam với dân số đông mà hiện mới có 5 hãng hàng không khai thác là còn ít so với nhu cầu. Con số này chưa đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân và khách du lịch trong lựa chọn đường bay, chuyến bay, chưa tạo được sự cạnh tranh cần thiết về giá vé và chất lượng dịch vụ hàng không.
Sẽ tăng chất lượng dịch vụ?
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá, việc có thêm hãng hàng không đi vào hoạt động và trước đó cuối tháng 12/2018, sân bay Vân Đồn đi vào hoạt động chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến thị trường, người tiêu dùng sẽ có thêm lựa chọn, chất lượng dịch vụ cũng sẽ được nâng cao nhờ có cạnh tranh.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, an ninh hàng không, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiểm tra toàn bộ hoạt động của hãng bay và sân bay mới cũng như giám sát chặt chẽ trong giai đoạn đầu. Bộ Giao thông Vận tải sẽ tăng cường quản lý để thị trường hàng không phát triển lành mạnh, không vì tăng trưởng mà lơ là chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách.
Các chuyên gia hàng không nhận định, tính cạnh tranh của thị trường càng cao thì chất lượng dịch vụ sẽ càng tốt hơn, vì dần loại bỏ được sự áp đặt từ phía nhà vận chuyển. Thời gian vừa qua, nhiều hãng hàng không đã tăng tiện ích cho khách bằng nhiều dịch vụ như đưa đón sân bay, thanh toán trực tuyến, ký gửi hành lý ngay trong thành phố, bán vé máy bay kèm khách sạn...
Tuy nhiên, do thị trường tăng trưởng quá nhanh, thời gian gần đây, chất lượng dịch vụ của một số hãng có thời điểm đi xuống. Một số hãng đã bị hành khách phàn nàn về ứng xử của nhân viên. Đặc biệt, nhiều hành khách bức xúc vì những quy định áp đặt từ các hãng như đòi hỏi khách phải tuân thủ tuyệt đối giờ giấc, quy định, trong khi hãng liên tục vi phạm, chỉ phục vụ chiếu lệ, không xin lỗi, không đền bù, không cung cấp thông tin về chuyến bay theo quy định mỗi khi xảy ra chậm, hủy chuyến...
Đại diện nhiều hãng hàng không thừa nhận, sự quá tải, chen chúc tại các sân bay lớn Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã khiến cho dịch vụ của các hãng bị ảnh hưởng. Nhiều hãng cho rằng chính vì phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung ứng dịch vụ mặt đất cùng với hạ tầng bị quá tải, ví dụ ít khi được sử dụng ống lồng, chỗ đậu máy bay xa… đã ảnh hưởng đến dịch vụ chăm sóc khách hàng của hãng.
Chia sẻ về các giải pháp tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ, ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho hay, trong thời gian qua để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong phục vụ và giải quyết kịp thời các khiếu nại từ hành khách, ngoài các cuộc giao ban hàng tuần với các công ty phục vụ mặt đất, Vietjet thường xuyên tổ chức các hội nghị nhằm trao đổi cởi mở giữa các đơn vị trực tiếp phục vụ hành khách của hãng với các công ty phục vụ mặt đất nhằm hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng dịch vụ và làm hài lòng khách hàng.
Về vấn đề đảm bảo việc chống mất cắp hành lý, ông Tô Việt Thắng cho hay, Vietjet đã tổ chức họp với các công ty phục vụ mặt đất để đưa ra các giải pháp, cụ thể như lắp đặt hệ thống camera hầm hàng nhằm tăng cường giám sát ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản xảy ra trong hầm hàng tàu bay.
Ông Ngô Hồng Minh, Trưởng ban Dịch vụ thị trường Vietnam Airlines cho biết, với mục tiêu hàng đầu là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ với nguyên tắc hướng tới phục vụ khách hàng, Vietnam Airlines liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh sản phẩm với các hãng hàng không khác đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách trong thời gian tới, ông Ngô Hồng Minh cho hay, hãng đã có văn bản kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tiếp tục cải tạo, mở rộng, nâng cao năng lực phục vụ của nhà ga, sân đỗ nhằm giải quyết tình trạng quá tải tại các sân bay lớn. Cụ thể, tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cần có phương án hạn chế người nhà vào trong khu vực ga đưa tiễn, giảm bớt áp lực, tạo thông thoáng cho khu vực làm thủ tục…
Đại diện Hãng hàng không Jetstar Pacific chia sẻ, thời gian vừa qua, hãng đã thực hiện nhiều hoạt hoạt động và chương trình nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ như đảm bảo quầy thủ tục riêng cho hành khách ưu tiên (người lớn tuổi, gia đình có trẻ nhỏ, hành khách khuyết tật…); thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng dịch vụ cho hành khách các chuyến bay chậm, hủy. Đặc biệt, Jetstar đã tăng cường việc đào tạo kỹ năng mềm cho nhân viên khi giao tiếp với hành khách.
“Đặc biệt, hàng tháng, hãng thực hiện chương trình khảo sát chất lượng dịch vụ với hành khách, khảo sát qua điện thoại…. cho tất cả các đường bay của Jetstar đang khai thác. Qua đó kịp thời chấn chỉnh, cải thiện tốt hơn chất lượng phục vụ hành khách”, đại diện Jetstar Pacific khẳng định.
Bài 2: Những thách thức cần giải quyết