Thị trường hàng hóa cuối năm: Sôi động nhưng giá không đột biến

Theo nhận định của các chuyên gia thương mại, thị trường hàng hóa dịp cuối năm ở Việt Nam đã bắt đầu sôi động. Cung cầu của hầu hết các mặt hàng được đánh giá là đảm bảo, giá tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, một số mặt hàng lương thực, thực phẩm do ảnh hưởng của mưa lũ, do nhu cầu tăng vào dịp cuối năm trong khi nguồn cung chưa dồi dào nên giá có xu hướng tăng trở lại.

Lưu chuyển hàng hóa tăng mạnh

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho hay: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2011 tăng 0,39% so với tháng 10/2011. Mặc dù nhóm hàng như: Thực phẩm, giao thông, văn hóa giải trí, bưu chính viễn thông giảm nhưng do nhóm lương thực tăng cao (3,25%) và các mặt hàng tiêu dùng như may mặc, giày dép, đồ dùng gia đình, hàng hóa dịch vụ khác phục vụ cho mùa lạnh và dịp cuối năm tăng nên CPI vẫn tăng cao hơn mức tăng của tháng trước. Nguyên nhân chính khiến CPI nhóm lương thực tháng này tăng là do mưa lũ ảnh hưởng đến giá lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các tỉnh miền Trung.

Khách mua sắm tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ, nơi thực hiện chương trình bán hàng bình ổn. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN


Các chuyên gia thương mại, tài chính dự báo trong tháng 12/2011, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như: Dịp lễ Nôen, Tết Dương lịch, cận tháng Tết Âm lịch nên lưu chuyển hàng hóa sẽ tăng mạnh, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, trong khi đó nguồn cung chưa tăng (lương thực đang vào kỳ giáp vụ, chăn nuôi lợn chưa đến kỳ xuất chuồng) nên giá các mặt hàng này có thể tăng. Ngoài ra, sự biến động của tỷ giá USD/VND cũng sẽ ảnh hưởng đến giá hàng hóa nhập khẩu.

Tuy nhiên, với sự chuẩn bị hàng hóa của các doanh nghiệp, các chương trình bình ổn thị trường của các địa phương thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, nguồn cung hàng hóa sẽ đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá hàng hóa sẽ không tăng đột biến.

Giá nhiều mặt hàng ổn định, có loại tăng nhẹ

Trong thời gian tới, mặt hàng lương thực và thực phẩm được dự báo là tăng nhẹ do cầu tăng vào dịp cuối năm. Đối với mặt hàng lương thực, giá lúa gạo tại ĐBSCL sau khi chững lại hồi cuối tháng 10/2011, sang tháng 11/2011 lại tiếp tục tăng (tăng từ 200 – 500 đồng/kg) do ảnh hưởng của mưa lũ và nguồn cung khan hiếm (thu hoạch lúa thu đông đã kết thúc và chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân). Tại miền Bắc, giá lúa gạo tăng khoảng 200 - 1.000 đồng/kg so với tháng trước.

Các chuyên gia thương mại, giá cả dự báo: Thời gian tới, giá gạo thế giới sẽ duy trì ở mức cao do những bất ổn trên các thị trường tài chính và hàng hóa, đặc biệt giá sẽ tăng ở phân khúc gạo chất lượng trung và cao cấp, giá gạo trong nước có thể tăng nhẹ do cầu tăng vào dịp cuối năm.

Nếu như thời tiết nắng ấm thuận lợi cho rau xanh phát triển, nhiều loại đang vào chính vụ, nguồn cung dồi dào thì giá thực phẩm tươi sống trong tháng 11/2011 lại có xu hướng tăng nhẹ từ 6,3 – 9% so với cuối tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là do lo ngại dịch lở mồm long móng, tai xanh có nguy cơ bùng phát ảnh hưởng tâm lý đến người kinh doanh và người tiêu dùng; chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao. Dự báo giá thực phẩm tươi sống sẽ có xu hướng tăng nhẹ nhưng không tăng đột biến do nhu cầu bắt đầu tăng chuẩn bị cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Trong thời gian tới, ngoại trừ giá sữa, phân bón, gas được các chuyên gia thương mại nhận định là sẽ tăng nhẹ do biến động về tỷ giá và giá thế giới thì phần lớn giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu khác ổn định như: Muối, đường trắng, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, xi măng, than, thuốc chữa bệnh.

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN