Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 37,28 điểm xuống 1.119,86 điểm. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp VN-Index giảm điểm sau khi chạm ngưỡng đỉnh cao mới tại 1.211,34 điểm vào phiên 10/4. Chỉ số HNX-Index giảm 0,76 điểm xuống 132,58 điểm. Thanh khoản sụt giảm và ở mức trung bình với khoảng 7.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn
Có thể nhận thấy, thị trường gần đây có biến động rất lớn, đơn cử như phiên ngày 19/4 khi VN-Index giảm tới 43,9 điểm và ngay phiên sau đó vào ngày 20/4, thị trường lại tăng tới 25 điểm.
Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Theo Bloomberg, Chứng khoán Việt Nam đang trở nên đắt đỏ và bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của sự bấp bênh.
Có lẽ rủi ro lớn nhất tại thời điểm hiện nay là chứng khoán Việt Nam đang trở nên đắt đỏ. Trong đó, 15 cổ phiếu trên chỉ số MSCI Vietnam Index sẽ là những cổ phiếu được cho là có lợi nhất khi Việt Nam có thể gia nhập vào câu lạc bộ những thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, vấn đề là sau khi đã tăng đến gần 70% trong năm ngoái, mức giá giao dịch tại MSCI Vietnam Index vẫn tiếp tục dao động quanh mức cao gấp khoảng 30 lần số lợi nhuận của các doanh nghiệp tính trong 12 tháng liên tục.
Với khả năng Mỹ sẽ suy nghĩ lại về việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam có thể sẽ trở thành cái nôi chế tạo tiếp theo của ngành sản xuất châu Á.
Theo Bloomberg, có vẻ như thị trường đang phát triển quá nhanh để đón đầu sự kiện này và việc một chỉ số chứng khoán của Việt Nam đang được định giá cao hơn cả nhóm cổ phiếu công nghệ Shenzhen có nghĩa là chỉ số này đã tăng cao hơn nhiều so với mức mà các nhà phân tích cảm thấy là hợp lý.
Theo giới phân tích tại Việt Nam, đợt giảm lần này khá tương đồng với đợt giảm trước đó vào hồi cuối tháng 1. Nhiều khả năng sóng gió đã đi qua, nhưng thị trường cần một thời gian để củng cố, tích lũy trước khi đi lên. Tuy nhiên, thị trường có thể không tăng mạnh như hồi đầu năm và mức 1.200 điểm vẫn là mức kháng cự rất mạnh.
Diến biến thị trường cho thấy, bên bán hoàn toàn chiếm ưu thế với sức ép chốt lời tăng mạnh qua các phiên. Nhà đầu thư chấp nhận bán cổ phiếu ở vùng giá thấp khiến thị trường giảm nhanh và mạnh. Hầu hết các nhóm cổ phiếu chính, trụ cột trên thị trường đều đồng loạt giảm với mức giảm rất sâu.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh với các mã trụ cột trong nhóm giảm sâu như: PLX giảm 9,3%, PVD giảm 6,4%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt giảm, trong số đó có những mã vốn hóa lớn nhất trong dòng cổ phiếu này như VCB giảm 5,7%, CTG giảm 2%, BID giảm 6,1%, ACB giảm 0,8%. Bên cạnh đó các mã khác như: VPB cũng giảm tới 4,5%, MBB giảm 0,8%, SHB giảm 3%.
Việc thị trường không có sự nâng đỡ của dòng tiền cũng chính là nguyên nhân các mã cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc trong tuần qua, điển hình như: ROS giảm tới 17,5%, VNM giảm 5%, BVH giảm 4,7%, SAB giảm 2,2%, MSN giảm 5,9%, VIC giảm 3,4%, VJC giảm 7,7%...
Tính chung cả tuần điều chỉnh trước đó, nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm giá từ 10- 20% thị giá chỉ trong 2 tuần giao dịch, thậm chí có mã giảm mạnh tới hơn 40% thị giá.
Cụ thể, ROS giảm từ 122.000 đồng/cổ phiếu vào phiên đống của ngày 9/4 xuống còn 83.300 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên ngày 20/4). Như vậy, cổ phiếu ROS đã giảm tới 46,4% chỉ trong 2 tuần.
MSN cũng vậy, cổ phiếu này cũng giảm từ 107.000 đồng xuống 96.200 đồng trong 2 tuần giao dịch, tương ứng với mức giảm tới 11,22%, VJC giảm từ 218.000 đồng/cổ phiếu xuống 195.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức giảm tới 11,39%.
Giới phân tích cho rằng, các cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng giá quá nhanh và mạnh trong thời gian trước đó, điều này khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trở lên đắt đỏ. Việc giá nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh trong 2 tuần qua, trong khi kết quả quý 1 của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn có mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình cao sẽ tạo nên chỉ số P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) trung bình ở mặt bằng giá hấp dẫn hơn. Đây có thể là yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường trong tuần giao dịch tới.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, yếu tố dòng tiền đang là nhân tố cản trở đà hồi phục của thị trường. Nếu dòng tiền không tăng trở lại thì có lẽ sự hồi phục khó vững chắc.
Tuần qua, thanh khoản trên cả hai sàn sụt giảm mạnh. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 151 triệu đơn vị/phiên, giảm 27,29% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 48 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 21,35%.
Không chỉ nhà đầu tư nội bán mạnh cổ phiếu vốn hóa lớn, khối ngoại cũng bán ròng mạnh những cổ phiếu này. Hàng loạt cổ phiếu thuộc top vốn hóa trên thị trường là VIC, VJC, MSN, VCB, VRE, VNM... đều bị khối ngoại bán ròng mạnh; trong đó, VIC dẫn đầu danh sách bán ròng với 447,8 tỷ đồng.
Mặc dù tại sàn HOSE, khối ngoại quay trở lại mua ròng hơn 2.436 tỷ đồng sau 3 tuần bán ròng liên tiếp, với khối lượng mua ròng đạt hơn 43 triệu cổ phiếu. Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến việc khối ngoại mua ròng cổ phiếu trên HOSE là do NVL. Cổ phiếu này đã làm “méo mó” bản chất mua bán ròng của thị trường.
Cụ thể, trong phiên cuối tuần, NVL bất ngờ xuất hiện giao dịch thỏa thuận lên đến 55,7 triệu cổ phiếu, trị giá trên 3.391 tỷ đồng; trong đó, khối ngoại mua vào 52,5 triệu cổ phiếu, trị giá 3.412,5 tỷ đồng.
Tính chung cả tuần, NVL được khối ngoại mua ròng 51,5 triệu cổ phiếu, trị giá 3.346,7 tỷ đồng. Như vậy, nếu trừ đi khoản đột biến đến từ NVL, khối ngoại vẫn bán ròng lên đến gần 1.000 tỷ đồng.
Tại sàn HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng khoảng 164 tỷ đồng (tăng nhẹ 5% so với tuần trước), với khối lượng mua ròng đạt 3,6 triệu cổ phiếu. Nhưng cũng giống như sàn HOSE, trên HNX, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã VPI với 180 tỷ đồng. Như vậy, nếu không tính mã VPI thì khối này thực chất là bán ròng mạnh trên HNX.
Như vậy, tính chung cả 2 sàn, khối ngoại đã mua ròng hơn 2,484 tỷ đồng; trong đó, khối ngoại mua ròng trên HOSE với hơn 2.320 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 164 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhân tố khối ngoại mua ròng hàng nghìn tỉ đồng này có vẻ như ít có tác dụng hỗ trợ thị trường, khi mà việc mua bán ròng của khối ngoại chỉ tập trung vào một vài mã và chủ yếu qua phương thức thỏa thuận. Điều này làm sai lệch bản chất của việc mua bán ròng của khối này.
Dưới góc nhìn của nhiều công ty chứng khoán, thị trường trong tuần tới còn tiềm ẩn rủi ro khi áp lực điều chỉnh vẫn còn và nhà đầu tư cần cẩn trọng trong những phiên giao dịch.
Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC cho rằng: "Thị trường đã có phiên giao dịch hồi phục sau phiên giảm bất ngờ hôm 19/4. Đầu phiên giao dịch tâm lý thận trọng vẫn chi phối thị trường khi VN- Index chỉ dao động quanh mức tham chiếu. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, tâm lý mua vào bắt đáy khiến dòng tiền đổ vào thị trường tăng vọt.
BSC nhận định, áp lực điều chỉnh có thể còn tiếp tục xuất hiện cho đến khi thị trường có tín hiệu hồi phục rõ ràng. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể điều chỉnh tỷ trọng danh mục, kết hợp với theo dõi thị trường để chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn".
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC: "Hai chỉ số đồng loạt phục hồi mạnh sau phiên bán tháo. Tuy vậy thanh khoản lại ở mức rất thấp. Rủi ro giảm sâu đã được hạn chế nhiều khi các chỉ số đang ở gần các ngưỡng hỗ trợ mạnh. Ở vùng này, nhà đầu tư có thể giải ngân một phần tài khoản cho mục tiêu trung dài hạn".
Công ty Chứng khoán Vietcombank - VCBS nêu quan điểm: "Tuần tới sẽ là tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghì lễ 30/4-1/5, đồng thời ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào thứ 4 (25/4). Theo đó, trong bối cảnh chỉ số đã có hai tuần liên tiếp giảm khá mạnh với thanh khoản chưa có sự cải thiện, tâm lý giao dịch trên thị trường nhiều khả năng sẽ vẫn tương đối thận trọng trong tuần tới, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Giai đoạn này nhà đầu tư cần có chiến lược quản trị rủi ro và cơ cấu danh mục một cách hợp lý, theo đó những phiên hồi phục của chỉ số sẽ là cơ hội để nhà đầu tư ngắn hạn bán hạ tỷ trọng ở những cổ phiếu đã tăng nóng trong giai đoạn trước nhằm bảo vệ thành quả đầu tư, trong khi nhà đầu tư dài hạn có thể cơ cấu lại danh mục và tích lũy các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong năm nay ở những vùng giá chiết khấu.".