Điều này cho thấy sự điều hành, chỉ đạo "sát sao, thường xuyên, trực tiếp và cụ thể" của Thủ tướng Chính phủ trước những vấn đề "nóng" cần tháo gỡ nhằm giữ vững ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Phiên đấu giá 19 thửa đất tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã kết thúc sáng 20/8, song dư âm của nó vẫn rất nóng, không chỉ bởi giá trúng một số lô cao gấp gần 20 lần khởi điểm mà còn bởi thời gian kéo dài hơn 19 tiếng, từ 9 giờ sáng 19/8 đến 4 giờ 30 phút sáng 20/8 mới kết thúc. Kết quả, trải qua 9 vòng đấu, lô đất LK03-12 có giá cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần so với giá khởi điểm. Liệu đây là giá thật hay có tình trạng đầu cơ, thổi giá?.
Một số người có mặt tại phiên đấu giá cho rằng, mức giá này là quá cao khi đất tại trục đường chính gần đó đang giao dịch khoảng 80 - 90 triệu đồng/m2. Theo các chuyên gia, mức giá hàng trăm triệu đồng/m2 tại huyện Hoài Đức không đồng nghĩa với việc thị trường chấp nhận giá đó bởi giá bị đẩy lên mức cao hơn hẳn so với mặt bằng chung.
Điều đáng nói ngay gần điểm đấu giá rất nhiều điểm giao dịch tạm hay còn được gọi là các “sàn giao dịch” đã được dựng lên để kiếm khách bán sang tay đồng thời nhận thêm các mảnh đất được ký gửi, sau đó bán chênh kiếm lời. Ngay sau khi trúng đấu giá nhiều nhà đầu tư đã rao bán trên các hội nhóm với mức chênh từ 300 - 500 triệu đồng/lô. Điều này cho thấy có dấu hiệu của việc đầu cơ, đẩy giá đất.
Trường hợp đấu giá cao bất thường được cơ quan thông tin đại chúng phản ánh, và dư luận xã hội quan tâm, có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản. Trước lo ngại đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhất là các hành vi cấu kết thao túng thị trường, thổi giá để tạo ra thị trường không lành mạnh, không đúng thực tế để trục lợi.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Sự vào cuộc của Thủ tướng Chính phủ thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo điều hành quyết liệt, dứt khoát, rõ ràng, mạch lạc, việc nào dứt việc đó… Điều này cũng cho thấy tinh thần chỉ đạo chủ động hơn, linh hoạt hơn, sát thực tiễn hơn, hiệu quả hơn giúp vượt con sóng cả, qua cơn gió ngược để "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái".
Quay trở lại câu chuyện đấu giá đất ở huyện Hoài Đức, mặc dù chỉ là một trường hợp cụ thể, nhưng lại là một điển hình cho thấy rõ việc đầu cơ, thổi giá đất gây “méo mó” thị trường.
Có thể nói các cuộc đấu giá đất gần đây tại các huyện ngoại thành Hà Nội đã tạo nên một nghề mới là “nghề đấu giá đất”. Một điểm chung của các thương vụ đấu giá đất này là số hồ sơ nộp và số người tham gia các phiên đấu giá lên tới cả nghìn người, trong đó phiên đấu giá tại huyện Thanh Oai ghi nhận con số kỷ lục 6.000 hồ sơ bán ra và 1.600 người tham gia đấu giá 68 lô đất, trong đó chiếm phần lớn là các nhà đầu tư cá nhân.
Đã có nhiều trường hợp lập nên đội nhóm để góp tiền, góp sức để đấu giá đất một lô đất với giá cao nhất. Họ sẽ viện cớ, tạo sóng để đẩy giá đất, bán nhanh những lô trúng chiếm lợi nhuận vài trăm triệu đồng chỉ trong vòng vài ngày thậm chí vài giờ ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc. Còn lô đất trúng giá cao chót vót họ sẵn sàng bỏ cọc do số tiền đặt cọc không đáng kể so với tiền họ thu được.
Với “chiêu trò” trên cho thấy sự tham ra của nhóm đầu cơ vào các cuộc đấu giá không hề nhỏ. Kết quả của hành vi trục lợi này sẽ khiến cho mặt bằng đất ở khu vực đấu giá bị đẩy lên mặt bằng giá mới. Hệ quả, những người đầu cơ thì ăn mừng còn người dân địa phương thì ngậm ngùi vì ngày càng khó tiếp cận được với những mảnh đất đấu giá trên chính quê hương của mình.
Việc đấu giá đất ở Hoài Đức cao hơn nhiều lần so với mức bình thường chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản ở khu vực này. Tình trạng "thổi" giá đất cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương. Bởi lẽ, giá đất tăng cao kéo theo hàng loạt chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Chi phí đầu tư, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng sẽ gây khó khăn cho địa phương, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, khi kinh tế trên địa bàn gặp khó khăn, khó phát triển thì giá đất cũng bị kéo giảm, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư đã "xuống tiền" trước đó.
Về nguyên lý, giá bất động sản tăng hay giảm phụ thuộc vào cung - cầu thị trường, nên điều cần làm là loại trừ đi các yếu tố bất thường như việc chủ đích thổi giá của các đội nhóm môi giới và nhà đầu cơ, tránh gây nhiễu loạn thị trường. Những hành vi thổi giá lên cao thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng rõ ràng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường bất động sản, xâm phạm tới lợi ích của người dân. Đáng lo ngại hơn, những hiện tượng này không giảm đi mà có xu hướng tăng lên. Điều này cho thấy vẫn còn kẽ hở của luật pháp dẫn đến sự làm liều và coi thường luật pháp của những kẻ trục lợi cá nhân.
Mặc dù vậy, phải khẳng định rằng, các hành vi thổi giá đất trục lợi có tinh vi cỡ nào cũng khó có thể thoát lưới pháp luật. Sự việc của Tân Hoàng Minh là một bài học nhãn tiền cho những kẻ trục lợi đó. Điều này cũng đã được thể hiện rõ ở tinh thần của Thủ tướng qua Công điện vừa rồi khi Thủ tướng yêu cầu kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhất là các hành vi cấu kết thao túng thị trường, thổi giá để tạo ra thị trường không lành mạnh, không đúng thực tế để trục lợi.
Liên quan đến “làn sóng” giá đất nền tăng cao kỷ lục ở một số huyện ngoại thành trong thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đang phối hợp với cơ quan công an thu thập, xác minh nghi vấn có nhóm đối tượng kích sóng đất nền thông qua các phiên đấu giá đất.
Có thể nói, đấu giá đất là việc Nhà nước giao quyền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất với phương thức đấu giá công khai, công bằng cho mọi tổ chức, cá nhân. Đấu giá đất là nhằm tạo lập sự ổn định, minh bạch trong hoạt động giao đất, cho thuê đất; làm cơ sở để Nhà nước và xã hội xác định được giá trị xác thực của đất; giúp Nhà nước huy động được tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội.
Đấu giá đất không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, là một trong những hình thức khai thác, sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm, giúp bình ổn chính trị và phát triển nền kinh tế một cách bền vững và góp phần vào quá trình cải cách hành chính. Việc đấu giá là để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu điều kiện để được mua đất phục vụ nhu cầu ở. Thế nhưng với diễn biến đấu giá như hiện nay việc đấu giá đang tạo đất đai thành một loại hàng hóa mới trên thị trường của nhóm đấu cơ. Điều này không phản ánh thật thực trạng thị trường, và đâu đó có những dấu hiệu “chiêu trò” của những “cò đất”. Hệ lụy có thể dẫn tới "bong bóng" bất động sản gây rủi ro cho nền kinh tế.
Một chuyên gia kỳ cựu về tài chính đã nhận định, giá nhà ở so với thu nhập của đại bộ phận người dân mà vượt quá 30 lần thì có nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản, nếu 35 lần thì ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.
Trong thị trường, khi cung - cầu không gặp nhau, khiến giá cả sụp xuống không thể giao dịch được, doanh nghiệp cũng không bán được hàng. Ngân hàng cho vay định giá lại tài sản, giá trị bị giảm đi nhiều. Chính vì vậy, vỡ bong bóng là điều có thể xảy ra. Nói chung nếu vỡ bong bóng bất động sản sẽ khiến hệ thống tài chính ngân hàng ngừng trệ, doanh nghiệp phá sản, người mua nhà vỡ nợ.
Qua thực tế trên có thể thấy việc đấu giá đất dự kiến sẽ mang lại lợi ích trước mắt cho ngân sách địa phương, nhưng nếu không được quản lý chặt chẽ, có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Bài học nhãn tiền trong nhiều năm qua cho thấy việc đẩy giá đất tăng cao không chỉ làm nhiễu loạn thị trường, mà còn tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ đẩy giá đất lên cao hơn để kiếm lời, tiềm ẩn nguy cơ tạo ra một thị trường “bong bóng” không bền vững. Sự vào cuộc kịp thời của Thủ tướng Chính phủ sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.