Ra đời trong bối cảnh thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính, Bitcoin được cho là sự lựa chọn mới so với hệ thống tài chính truyền thống, vốn bị nghi ngờ sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers tại Mỹ.
Trong bản giới thiệu có nhan đề “Bitcoin: Hệ thống thanh toán điện tử ngang hàng”, Satoshi Nakamoto, nhóm nhà phát triển được cho là cha đẻ của Bitcoin, viết rằng, Bitcoin "hoàn toàn là một phiên bản ngang hàng (P2P) của tiền điện tử, cho phép gửi trực tiếp từ bên nọ qua bên kia trong thanh toán trực tuyến mà không cần thông qua tổ chức tài chính".
Trên thực tế, Bitcoin hướng tới một loại tiền tệ phổ biến toàn cầu, không chịu sự quản lý của bất kỳ ngân hàng trung ương nào và bất kỳ ai cũng có có thể tiếp cận, sở hữu. Chỉ vài tháng sau sự đời của Bitcoin, đã có 50 loại tiền ảo được tạo ra và cho đến nay con số này lên tới 2.000 đồng tiền ảo. Điểm chung của những đồng tiền này là hoạt động dựa trên nền tảng Blockchain (chuỗi khối) và được tạo ra nhờ quá trình “đào” tiền.
Tuy nhiên, phải 2 năm sau, khi nhà lập trình Laszlo Hanyecz ở thị trấn Jacksonville, bang Floria, Mỹ đặt mua 2 chiếc bánh pizza bằng 10.000 Bitcoin thì loại tiền kỹ thuật số này mới chính thức được giao dịch để mua hàng hóa trên thị trường thực tế. Cùng với sự tăng giá của Bitcoin, lượng sử dụng của loại đồng tiền này cũng tăng lên chóng mặt. Tính đến tháng 4/2011, lượng giao dịch hằng ngày của Bitcoin đã đạt mức 1 triệu USD.
Đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới này được đánh giá có sự phát triển nóng nhất trong số hàng trăm đồng tiền ảo hiện nay. Vào năm 2009, New Liberty Standard đã lần đầu tiên công bố giá trị quy đổi của Bitcoin ở mức 1 USD đổi được 1,3 Bitcoin, và chỉ 4 năm sau, đồng tiền ảo này vượt mốc 1.000 USD.
Năm 2017 là năm đã chứng kiến tốc độ "phi mã" chóng mặt của đồng tiền này khi có thời điểm được giao dịch ở mức trên 20.000 USD/Bitcoin. Theo ông Pierre Noizat - nhà sáng lập sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Pháp, đây là khởi đầu cho "bước ngoặt" của Bitcoin. CoinMarketCap ước tính giá trị vốn hóa Bitcoin có thời điểm lên tới hơn 300 tỷ USD và tính đến tháng 1 năm nay, tổng giá trị của toàn bộ tiền ảo trên thế giới vượt 800 tỷ USD.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng đã chịu nhiều phen “đứng ngồi không yên” khi giá trị đồng tiền mã hóa này giảm tới 50%, có lúc xuống chỉ còn khoảng 10.000 USD, kéo theo sự sụt giảm của một loạt loại tiền ảo khác như ethereum hay litecoin. Biến động khó lường này khiến nhiều người không khỏi quan ngại rằng một lần nữa lịch sử “bong bóng vỡ tan” sẽ lặp lại đối với thị trường các đồng tiền mã hóa.
Ông Garrick Hileman, nhà nghiên cứu về hệ thống tiền tệ thuộc trường Đại học Cambridge (Anh), cho rằng nếu “bong bóng tiền ảo” bị “xì hơi”, cả thế giới sẽ quay về thời điểm những năm 2000, khi bong bóng công nghệ (bong bóng cổ phiếu dot-com) phát nổ và đẩy hàng loạt các công ty lớn nhỏ kinh doanh về bitcoin ra khỏi thị trường. Những đồng tiền ảo khác như Ethereum, Litecoin hay Monero cũng sẽ không tránh khỏi hệ lụy.
Hai chuyên gia từng giành giải Nobel Kinh tế Jean Tirole người Pháp và Joseph Stiglitz người Mỹ coi đây là một “quả bóng tài chính mới”. Cơ quan Giám sát tài chính ngân hàng Pháp liên tục báo động trước nguy cơ “thả mồi bắt bóng”. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ví Bitcoin với mô hình lừa đảo Ponzi.
Năm 2014 chứng kiến cuộc khủng hoảng của đồng Bitcoin, làm dấy lên quan ngại về sự an toàn của đồng tiền điện tử đầu tiên này. Mt.Gox, một trong những sàn giao dịch đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, quy tụ 80% giao dịch đồng tiền ảo trên thế giới, bị tin tặc “ghé thăm” và sụp đổ, dẫn tới sự biến mất của lượng tiền điện tử có giá trị lên tới 477 triệu USD.
Nối gót Mt.Gox, Coincheck, sàn giao dịch có trụ sở tại Nhật Bản, thừa nhận bị tin tặc đánh cắp 530 triệu USD tiền ảo NEM - đồng tiền ảo lớn thứ 10 trên thế giới. Tiếp đó, công ty điều hành sàn giao dịch Zaif, Tech Bureau của Nhật Bản, thông báo một lượng Bitcoin và một số đồng tiền điện tử khác có tổng trị giá khoảng 60 triệu USD đã “bốc hơi” sau một vụ tấn công mạng.
Không chỉ mất an toàn, giới phân tích cảnh báo giao dịch bằng đồng Bitcoin đã bị biến tướng, trở thành phương thức “hoàn hảo” để trốn thuế, rửa tiền, giao dịch các mặt hàng bất hợp pháp, thậm chí tài trợ khủng bố. Hồi năm 2014, giới chức Mỹ thông báo thu hồi 29.000 Bitcoin sau chiến dịch truy quét The Silk Road, một thị trường buôn bán ma túy lấy đồng tiền kỹ thuật số này làm tiền tệ giao dịch.
Bên cạnh đó, cơn sốt đồng tiền ảo Bitcoin cũng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản Mỹ, đặc biệt là bang Florida, khi tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài né tránh sự kiểm soát tiền tệ trong nước, cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Theo hãng bất động sản Redfin (Mỹ), vào thời điểm cuối 2017, đồng tiền điện tử này đã được liệt kê như một phương thức thanh toán cho khoảng 75 thương vụ giao dịch bất động sản, nhất là ở Nam Florida và California.
Cụm từ "Chấp nhận Bitcoin" đính kèm trong quảng cáo những ngôi nhà được rao bán ở Miami, Mỹ, trở nên phổ biến. Thậm chí, chủ nhân một căn hộ cao cấp trị giá nửa triệu USD được rao bán ở trung tâm Florida còn cho biết sẽ chỉ nhận đồng Bitcoin. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin lo ngại rằng người tiêu dùng sẽ trở thành nạn nhân của chính việc đầu tư tích trữ đồng tiền ảo này.
Trước những rủi ro của Bitcoin, tại Hàn Quốc, một trong những trung tâm trao đổi Bitcoin tư nhân lớn nhất thế giới, Ủy ban dịch vụ tài chính (FSC) thông báo cấm sử dụng các tài khoản ngân hàng ẩn danh để giao dịch tiền ảo. Bên cạnh đó, người nước ngoài và những nhà đầu tư không đủ tuổi cũng sẽ bị cấm mở tài khoản tiền ảo tại Hàn Quốc.
Cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã cấm huy động vốn thông qua việc bán đồng tiền ảo để tài trợ cho việc phát triển một sản phẩm. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã cấm các trang web bán Bitcoin và các đồng tiền ảo khác.
Có thể thấy, tiền điện tử là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của tiền tệ, trong bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, theo cảnh báo của giới chuyên gia kinh tế, nếu không có hình thức quản lý hợp lý và hiệu quả, tiền kỹ thuật số có thể gây ra những hệ lụy khác ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách tiền tệ, tạo ra sự hỗn loạn trong xã hội, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.