Xin Bộ trưởng chia sẻ kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước của giai đoạn 2021 – 2025, đặc biệt là việc phát triển thị trường vốn?
Trong giai đoạn 2016-2020, triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước và Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành đồng bộ khung khổ pháp lý, trên cơ sở đó đã thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm và tái cơ cấu chi phí vay nợ, phát triển bền vững danh mục nợ trái phiếu chính phủ và tái cơ cấu cơ sở nhà đầu tư để phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn cho hệ thống tài chính.
Theo đó, trong giai đoạn 2016 – 2020 đã thực hiện có hiệu quả việc đa dang hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài nhất lên tới 30 năm, tập trung phát hành kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên khi thị trường thuận lợi, để vừa thu hút nhà đầu tư dài hạn, kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục nợ trái phiếu Chính phủ vừa tái cơ cấu chi phí vay nợ của Chính phủ.
Kết quả là kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ được cải thiện rõ rệt qua từng năm, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt trên 12,1 năm, cao hơn 7,41 năm so với bình quân giai đoạn 2011 – 2015 (4,74 năm), năm 2020 dự kiến kỳ hạn bình quân đạt mức trên 13,9 năm, cao hơn 6,92 năm so với mức 6,98 của năm 2015.
Trong khi kỳ hạn phát hành bình quân đạt mức kỷ lục thì lãi suất phát hành bình quân liên tục giảm và hiện ở mức thấp nhất từ trước đến nay.
Lãi suất phát hành bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 4,88%/năm, thấp hơn 2,83%/năm so với bình quân giai đoạn 2011- 2015 (7,71%/năm); lãi suất phát hành bình quân năm 2020 vào khoảng 2,85%/năm, thấp hơn 3,43%/năm so với năm 2015 (6,85%/năm).
Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ liên tục tăng trong khi lãi suất phát hành ngày càng giảm đã tạo điều kiện phát triển bền vững danh mục nợ Chính phủ. Kỳ hạn còn lại danh mục nợ trái phiếu Chính phủ tại thời điểm cuối năm 2020 dự kiến ở mức trên 8,3 năm, cao hơn 3,86 năm so với mức 4,44 năm thời điểm cuối năm 2015 và cao hơn 5,32 năm so với mức 2,98 năm thời điểm cuối năm 2014; lãi suất bình quân danh mục trái phiếu Chính phủ thời điểm cuối năm 2020 dự kiến ở mức trên 5,34%/năm, thấp hơn 1,79%/năm so với mức 7,13%/năm thời điểm cuối năm 2015 và thấp hơn 1,98%/năm so với mức 7,32%/năm thời điểm cuối năm 2014.
Danh mục nợ trái phiếu Chính phủ ngày càng bền vững đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng vay nợ trong nước, giảm vay nợ nước ngoài theo chủ trương cơ cấu lại nợ công giai đoạn 2016-2020 tại Nghị quyết 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để tái cơ cấu cơ sở nhà đầu tư theo hướng phát triển nhà đầu tư dài hạn.
Theo đó, thông qua quá trình tái cơ cấu, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ có sự thay đổi tích cực, các tổ chức tài chính phi ngân hàng đã trở thành nhà đầu tư quan trọng nhất trên thị trường trái phiếu Chính phủ, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các ngân hành thương mại ngày càng giảm.
Đến hết năm 2020, tỷ lệ nắm giữ trái trái phiếu Chính phủ của các tổ chức tài chính phi ngân hàng dự kiến đạt trên 55% (tăng 34,65% so với năm 2014, tăng 31,73% so với năm 2015), tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thương mại là dưới 45% (giảm 34,65% so với năm 2014, giảm 31,73% so với năm 2015).
Để thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển cả về quy mô và độ sâu, đóng vai trò ngày càng quan trọng cho đầu tư phát triển nền kinh tế, giai đoạn 2021 - 2025 Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp như phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện; thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư dài hạn trên thị trường; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng để tăng thanh khoản trên thị trường thứ cấp trái phiếu Chính phủ.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp trong phát hành trái phiếu Chính phủ với điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế; nghiên cứu đưa trái phiếu Chính phủ vào rổ chỉ số trái phiếu quốc tế để thu hút thêm các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài, tăng tính thanh khoản của thị trường thứ cấp đồng thời từng chuẩn hóa các quy định, quy tắc của thị trường theo thông lệ quốc tế.
Trên cơ sở đó, khi thực hiện có hiệu quả các giải pháp này, sẽ tạo điều kiện phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ cả về chiều rộng và chiều sâu.
Thưa Bộ trưởng, thời gian qua, tiến độ cổ phần hóa thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn quá chậm so với kế hoạch đặt ra, cũng là một khó khăn cho việc tăng thu cho ngân sách nhà nước. Vậy theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân khiến cho việc thực hiện này chưa thể về đích như mong muốn?
Tôi phải khẳng định rằng việc triển khai cổ phần hóa không nhằm mục đích trực tiếp tăng thu cho ngân sách nhà nước. Cổ phần hóa cùng với thoái vốn chỉ là một trong các biện pháp để cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Nguồn thu về cổ phần hóa và thoái vốn sau khi được ưu tiên sử dụng để tái đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ theo danh mục quy định, phần còn lại được sử dụng cho chi đầu tư phát triển theo quyết định của Quốc hội trong đó tập trung cho các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng, khu vực và cả nước. Giai đoạn 2016 – 2020, nguồn thu này đã đóng góp 217.300 tỷ đồng cho nguồn chi đầu tư phát triển của cả nước.
Thông qua cổ phần hóa, các doanh nghiệp sẽ được cơ cấu lại toàn bộ từ chiến lược, quản trị doanh nghiệp, thị trường, sản xuất, nhân sự, tài chính, khoa học công nghệ... Các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa hầu hết đều hoạt động kinh doanh hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận trên vốn và trên tổng tài sản cao, nộp ngân sách nhà nước tăng.
Giai đoạn 2016 – 2020, việc cổ phần hóa đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như vượt kế hoạch đề ra về số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa (cổ phần hóa 178 doanh nghiệp so với kế hoạch là 137 doanh nghiệp); cổ phần hóa nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, nếu xét về số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì vẫn chưa đạt kế hoạch (chỉ đạt 28%).
Nguyên nhân của tình trạng này, đầu tiên phải kể đến các nguyên nhân khách quan do bất ổn kinh tế - chính trị toàn cầu và sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đến nay vẫn chưa có biện pháp đẩy lùi đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán trong nước và thế giới, đồng thời hệ thống cơ chế chính sách về cổ phần hóa thời gian qua đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn, tăng cường công khai minh bạch trong quá trình cổ phần hóa, tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Bên cạnh đó cũng tồn tại một số nguyên nhân chủ quan như việc lập kế hoạch cổ phần hóa chưa sát với thực tế triển khai; nhiều doanh nghiệp không chủ động triển khai các chính sách của nhà nước, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa; vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa; việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn chưa tốt...
Vậy theo Bộ trưởng, thời gian tới, cần phải có các giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước?
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, về cơ chế chính sách, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, theo đó đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp phát sinh trong thời gian qua.
Về chỉ đạo điều hành, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 161/NQ-CP ngày 29/10/2020 về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện.
Đồng thời, Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo độc lập, tự chủ và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!