Tàu bay của các hãng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Theo đó, tổng số chuyến bay khai thác trong tháng 7 của 4 hãng hàng không là 25.657 chuyến bay, tăng 4,7% so với tháng 7/2016; trong đó, có 21.736 chuyến cất cánh đúng giờ chiếm tỷ lệ đúng giờ (OTP) là 84,7%, giảm 0,9 điểm so với tháng 7/2016.
Trong số các hãng, Vasco có tỷ lệ đúng giờ cao nhất là 94,7%. Tiếp theo, Jetstar Pacific có tỷ lệ đúng giờ là 87,4%, Vietnam Airlines là 85,4% và Vietjet Air là 82,2%. Tổng số chuyến bay bị hủy là 177 chuyến chiếm tỷ lệ hủy là 0,7%, tăng 0,1 điểm so với tháng 7/2016.
“Như vậy, mặc dù số lượng chuyến bay khai thác tăng, nhưng các hãng đều nỗ lực để giữ tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ cũng như tỷ lệ hủy chuyến xấp xỉ giai đoạn tháng 7/2016”, báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho hay.
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chỉ số bay đúng giờ sụt giảm của các hãng hàng không là do máy bay về muộn. Theo đó, có tới 2.520 chuyến bay trễ giờ được cho là do máy bay về muộn, chiếm tỷ trọng 64,3% các nguyên nhân gây ra cất cánh không đúng giờ của các hãng hàng không.
Tiếp theo nguyên nhân cất cánh không đúng giờ xuất phát từ chính các hãng hàng không và theo đó, có 827 chuyến bay trễ giờ do nguyên nhân này, chiếm tỷ trọng 21,1% các nguyên nhân gây ra máy bay cất cánh không đúng giờ.
Ngoài ra, còn các nguyên nhân được Cục Hàng không Việt Nam đánh giá như: trang thiết bị và dịch vụ tại cảng hành không, quản lý và điều hành bay, thời tiết, kỹ thuật, khai thác và các lý do khác khiến tình trạng chậm, hủy chuyến diễn ra.
Trước đó, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam về tình trạng chậm, hủy chuyến bay 6 tháng đầu năm 2017, các hãng hàng không đã thực hiện xấp xỉ 137.600 chuyến bay, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016. Mặc dù số lượng chuyến bay khai thác của các hãng hàng không Việt Nam tăng nhưng tỷ lệ chuyến bay bị chậm, hủy của các hãng lại giảm so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, tỷ lệ chậm là 12,2%, giảm 3,6 điểm so với cùng kỳ 2016; tỷ lệ hủy là 0,5%, giảm 0,1 điểm so với cùng kỳ 2016.
Do quy mô và tính chất khai thác nên tỷ lệ chậm của các hãng cũng khác nhau. Cụ thể, Vietnam Airlines là 9,1%, Vietjet Air là 14,4%, Jestar Pacific là 19,8% và Vasco là 4,3%. Mặc dù vậy, các hãng đều cải thiện rõ rệt tình trạng chậm chuyến so với cùng kỳ 2016. Theo đó, Vietnam Airlines giảm mạnh nhất, giảm tỷ lệ chậm tới 6,2 điểm, Vietjet Air giảm 2 điểm và Jestar Pacific giảm 0,8 điểm.
Theo số liệu thống kê, các nhóm nguyên nhân chính gây tình trạng chậm chuyến của các hãng vẫn chủ yếu do tàu bay về muộn (chiếm 70%) và nguyên nhân do hãng hàng không (chiếm 19,2%).