Đây là tháng đầu tiên của năm 2022 doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA có mức tăng trưởng khá, sau khi giảm 34% trong tháng 1 và giảm tiếp 26% trong tháng 2 vừa qua.
Xét theo phân khúc xe, trong tháng 3 vừa qua thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ 28.491 xe du lịch, tăng 62%; 7.794 xe thương mại, tăng 63%; và 677 xe chuyên dụng, tăng 41% so với tháng trước.
Xét theo nguồn gốc xe, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 21.863 xe, tăng 50% và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 15.099 xe, tăng 82% so với tháng trước.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thành viên VAMA có tổng doanh số bán hàng đạt 90.506 xe các loại, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xe ô tô du lịch tăng 39%, xe thương mại tăng 7% và xe chuyên dụng tăng 32%.
Cũng xét theo nguồn gốc xe, tính đến hết tháng 3/2022, trong khi doanh số bán xe lắp ráp trong nước tăng 34% thì xe nhập khẩu chỉ tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Qua đó cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2022 phần lớn người tiêu dùng đã lựa chọn mua xe sản xuất lắp ráp trong nước để được hưởng ưu đãi từ việc giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Cụ thể, với việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến ngày hết ngày 31/5/2022, mẫu ô tô sản xuất lắp ráp trong nước rẻ nhất là Kia Moroning có giá bán từ 302 triệu và đắt nhất là Mercedes-Benz S 450 Luxury có giá 4,969 tỷ đồng, giá xe lăn bánh được giảm theo tương ứng từ 15 triệu đến 298 triệu đồng, nên người tiêu dùng đã và đang được hưởng lợi từ chính sách này.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, bên cạnh doanh số bán xe của các đơn vị thành viên VAMA, thị trường ô tô Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều hãng xe khác, như Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Nissan, Subaru, Volkswagen, Volvo… nhưng các hãng xe này không tiết lộ kết quả kinh doanh.
Chỉ qua số liệu công bố chính thức của Tập đoàn Thành Công với thương hiệu xe Hyundai, trong tháng 3 vừa qua đơn vị này tiêu thụ 7.069 xe, nâng doanh số cộng dồn của thương hiệu này trong 3 tháng đầu năm lên 18.670 xe các loại.
Bên cạnh đó, VinFast cũng tiêu thụ được 3.471 xe trong tháng 3, nâng tổng doanh số trong 3 tháng đầu năm 2022 lên 6.728 xe các loại được bàn giao đến tay khách hàng trong cả nước.
Như vậy, chỉ qua số liệu công bố chính thức từ VAMA, Tập đoàn Thành Công và VinFast, trong tháng 3 vừa qua toàn thị trường Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 47.502 xe, nâng tổng doanh số bán của toàn thị trường ô tô Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022 lên 115.904 xe các loại.
Dẫn đầu về doanh số bán hàng của các thương hiệu ô tô tại Việt Nam trong tháng 3 vừa qua là Toyota Việt Nam khi tiêu thụ được 7.977 xe. Tiếp theo là các thương hiệu Hyundai (7.069 xe), Kia (6.238 xe), Mitsubishi (3.675 xe), Honda (3.604 xe), VinFast (3.471 xe), Mazda (3.326 xe)…
Dẫn đầu mẫu xe bán chạy nhất toàn thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 3 vừa qua tiếp tục là VinFast Fadil khi tiêu thụ được 2.567 xe. Tiếp đến là Toyota Corolla Cross tiêu thụ được 2.373 xe, Toyota Vios 2.228 xe, Hyundai Accent 2.031 xe, Honda City 1.744 xe…
Với doanh số bán hàng trong tháng 3 tăng 60% so với tháng 2 và tăng 27% trong quý đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái, các doanh nghiệp ô tô nhận định, đây là con số đáng ghi nhận, khi thị trường vẫn phải đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng chất bán dẫn, thiếu chip cũng như nguồn cung linh kiện thiếu hụt khiến nhiều hãng xe bị ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các chuyên gia nhận định, cùng với diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt và chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ còn hiệu lực đến hết tháng 5 tới, thị trường ô tô trong nước tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tháng tiếp theo. Dự kiến, thị trường ô tô Việt Nam có thể đạt mốc 500.000 xe trong năm nay.