Thận trọng khi phát triển cây Mắc ca ở Tây Nguyên

Với giá trị kinh tế và dinh dưỡng, Mắcca (Macadamia) đang là loại cây trồng thu hút nhiều sự quan tâm và được kỳ vọng là cây thoát nghèo cho nông dân các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Tuy nhiên, nếu phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch loại cây trồng mới này sẽ tiền ẩn nhiều rủi ro.

Tín hiệu vui từ nghiên cứu khảo nghiệm

Từ năm 2002, đã có nghiên cứu và trồng thử nghiệm cây mắc ca tại Tây Nguyên, Tây Bắc, các tỉnh vùng núi miền trung của Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) và một số tổ chức khác, bước đầu là với giống nhập từ Trung Quốc, sau đó nhập từ Thái Lan và Úc.

Quả Mắc ca. Ảnh: Dương Giang - TTXVN


Cụ thể, năm 2004, Trung Tâm nghiên cứu giống cây rừng đã chọn hộ ông Nguyễn Văn Cúc, trú tại thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, H.Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk trồng khảo nghiệm cây mắc ca, với diện tích 1 ha xen với cây cà phê vối. Do phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nên vườn mắc ca sinh trưởng khá tốt. Sau 4-5 năm cho năng suất khoảng 10 kg hạt/cây, thậm chí có cây đạt 15 kg/cây/năm.

Qua mô hình khảo nghiệm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 4 dòng mắc ca gồm: 246; 816; OC; 849 là giống tiến bộ kỹ thuật cho vùng Krông Năng – Đắk Lắk.

Thấy triển vọng từ cây trồng mới này, gia đình ông Cúc tiếp tục trồng xen trong diện tích cà phê còn lại. Đến nay, gia đình ông đã trồng được 1.000 cây mắc ca xen canh trong vườn cà phê. Trong số này, có 800 cây mắc-ca cho thu quả ổn định, 200 cây còn lại bắt đầu cho quả trong năm nay.

Theo nhẩm tính, với giá bán 150.000 đồng/kg như hiện nay gia đình ông đã thu về khoảng 450 triệu đồng. Ngoài bán hạt, mỗi năm ông Cúc còn bán hàng vạn cây giống cho nông dân địa phương và các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng. Ông Cúc cho biết: mắc ca có giá trị gấp 3 lần cà phê, lại ít cần nước tưới, dễ thu hoạch, chăm sóc cũng dễ dàng hơn.

Từ năm 2002, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cũng nghiên cứu và trồng khảo nghiệm cây mắc ca (cả thực sinh và ghép cành) trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên với diện tích trên 20 ha. Sau năm thứ 8 cây cho năng suất đạt 6- 8 kg/cây/năm, với bình quân 300 cây/ha, thì tương đương 2 tấn/ ha.

Cây được 10-12 năm thì năng suất sẽ đạt đến giới hạn khoảng 3 tấn/ ha, gần bằng với năng suất trung bình của cây mắc ca trồng tại Úc. Trọng lượng quả và tỷ lệ nhân của các giống đã trồng đạt được là khá tốt so với vùng nguyên sản như Úc, Hawai cũng như các khu vực trồng mắc ca trên thế giới. Với tỷ lệ nhân là 1/3, với 3 tấn quả, năng suất nhân hạt đạt 1 tấn/ha.

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cũng trồng thử nghiệm cây mắc ca xen với một số loài cây công nghiệp có giá trị trên địa bàn Tây nguyên như cà phê vối, cà phê chè, ca cao. Tính đến nay tổng diện tích mô hình trồng xen là hơn 15 ha. Kết quả bước đầu cho thấy cây mắc ca sinh trưởng tốt ở tất cả các mô hình trồng xen.

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và các cộng sự đánh giá: cây mắc ca có thể sinh trưởng phát triển được ở một số vùng sinh thái của vùng Tây Nguyên, đặc biệt là những nơi có khí hậu lạnh (nhiệt độ tối ưu khoảng 12-32 độ C, nhiệt độ mùa hoa từ 18 -21 độ C).

Sau 9 năm trồng, cây mắc ca cho năng suất từ 7-9 kg hạt/cây với một số giống, cá biệt có những cây cho năng suất hơn 10 kg/cây/năm. Nếu so sánh với năng suất của vùng nguyên sản cây mắc ca, tại Úc vào năm thứ 10 năng suất trung bình trên cây đạt 10 kg hạt/năm, vào giai đoạn kinh doanh ổn định (từ năm thứ 12 trở đi) năng suất trung bình trên cây chỉ cần từ 12-15 kg là đạt hiệu quả.

Như vậy, có thể nói cây mắc ca có triển vọng phát triển trên địa bàn Tây Nguyên. Hiện nay, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên có hơn 20 giống mắc-ca, trong đó H2, OC và 508 là những giống rất triển vọng, cho năng suất cao.

Cũng theo nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, lợi nhuận từ cây mắc ca cao hơn so với các cây công nghiệp dài ngày ở Tây Nguyên như cao su, cà phê. Với năng suất đạt được từ 3-5 tấn hạt/ha, giá bán 60.000 đồng/kg (theo giá thị trường thế giới hiện nay) hạt thì giá trị thu được từ một ha mắc-ca vào khoảng 180 triệu – 300 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận ước tính vào khoảng 150 đến 250 triệu đồng/ha/năm.

Nếu trồng xen trong vườn cà phê với mật độ từ 100 đến 120 cây/ha, năng suất mắc ca thu được vào thời kỳ kinh doanh vào khoảng từ 1,2 đến 1,5 tấn hạt/ha, giá trị thu được tăng thêm từ mắc-ca trồng xen sẽ từ 70 - 90 triệu đồng, đồng thời còn tăng tính bền vững hơn cho vườn cà phê.

Thận trọng khi phát triển cây mắc ca


Với những kết quả khả quan từ nghiên cứu khảo nghiệm, các nhà quản lý, nhà khoa học và người nông dân kỳ vọng đây là cây “thoát nghèo” cho đồng bào vùng Tây Nguyên.

Theo định hướng quy hoạch phát triển cây mắc-ca của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tây Nguyên là vùng quy hoạch chính để phát triển cây mắc-ca với diện tích ước tính có thể lên đến 200.000 ha và kỳ vọng đạt được 200.000 tấn hạt thô vào năm 2025. Từ đó, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về cây mắc ca.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó và tránh rủi ro cho nông dân, các ngành chức năng cần giải quyết một số “bài toán” như: xây dựng quy hoạch vùng trồng; tạo nguồn giống có chất lượng; ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật canh tác; thu mua, chế biến, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Mắc ca được mệnh danh là “Hoàng hậu quả khô”. Ảnh: Dương Giang- TTXVN


Mắc ca là cây trồng mới, chưa có quy hoạch vùng trồng. Tuy nhiên, hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên người dân đã trồng tự phát hàng nghìn héc-ta mắc ca bất chấp sự cảnh báo của các ngành chức năng. Tại tỉnh Đắk Lắk, diện tích mắc ca khoảng 800 ha (thống kê chưa đầy đủ), chủ yếu được trồng xen trong vườn cà phê. Hầu hết, diện tích mắc mới trồng chưa cho thu hoạch nên hiệu quả của loại cây trồng này chưa thực sự rõ ràng.

Các nhà khoa học cảnh báo nếu cứ ồ ạt trồng cây mắc ca như hiện nay thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiến sĩ Lê Ngọc Báu phân tích: phải mất 4 năm, thậm chí 7 năm loại cây này mới cho trái và từ 10 năm trở lên mới cho thu nhập ổn định, bởi vậy, nếu người dân trồng ở vùng không thích hợp về khí hậu, đất đại, chọn nguồn giống không tốt khiến cây không có quả hoặc quả ít thì xem như mất cả chì lẫn chài.

Tiến sĩ Báu đưa ra khuyến cáo: Tây Nguyên đã được xác định là địa bàn thích hợp để phát triển cây mắc ca với quy mô lớn bằng phương thức trồng thuần và trồng xen trong các vườn cà phê, nhưng không phải nơi nào trồng cũng mang lại hiệu quả.

Cây mắc ca thích hợp nhất với địa hình có đọộ cao 700-800 m so với mặt nước biển, như Krông Năng (Đắk Lắk), Măng Đen (Kon Tum), một số vùng ở Đắk Nông, Bảo Lộc (Lâm Đồng). Do đó, các ngành chức năng cần sớm quy hoạch cụ thể vùng trồng cây mắc ca trước khi trồng trên diện rộng. Bà con cũng không nên chặt bỏ các cây trồng khác để trồng thuần cây mắc ca mà nên trồng xen. Bởi, mắc ca là cây lâm nghiệp, có giá trị kinh tế cao, nếu trồng xen trong vườn cà phê, ca cao sẽ vừa tăng thu nhập, tăng tính bền vững cho vườn cây và tránh rủi ro.

Bên cạnh việc quy hoạch vùng trồng thì chất lượng cây giống cũng vô cùng quan trọng. Do nhận thấy lợi nhuận cao từ loại cây này nên không ít hộ dân trong tỉnh đang đua nhau chặt bỏ những diện tích cà phê già cỗi, vườn cây ăn quả… đầu tư mua cây giống về trồng với mơ ước đổi đời.

Có “cầu” ắt có “cung”, nhiều chủ vườn ươm cây giống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng rập rịch lai ghép, nhân giống mắc ca đáp ứng lượng mua đông đảo của người dân, chưa kể, chủ vườn còn tự tạo nên “cơn sốt” đẩy giá cây giống lên cao, từ 70.000 - 100.000 đồng/cây.

Một số ý kiến khác cho rằng, vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là một bài toán cần sớm có lời giải, bởi trên thực tế đã có những bài học về việc “chồng” rồi “ chặt” của cây cao su, ca cao, điều… khi không tìm được đầu ra cho sản phẩm hoặc giá bán thấp.

Do vậy, trước khi mở rộng diện tích trồng mắc ca, các địa phương ở Tây Nguyên, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mắc ca cần phải giải quyết thấu đáo bài toán thị trường, để tránh đi vào vết xe đổ như một số loại cây trồng khác. Ngoài ra, các địa phương cũng phải đầu tư nhà máy chế biến để nâng cao giá trị ngành hàng của loại cây được mệnh danh là “Hoàng hậu quả khô” này…

Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, để cây mắc ca thành cây trồng chủ lực giúp nông dân Tây Nguyên vươn lên thoát nghèo, trong thời gian tới, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu tạo ra nguồn giống có chất lượng, khảo sát những địa bàn trồng cho năng suất cao nhất, nghiên cứu ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật canh tác. Các địa phương cần quy hoạch vùng trồng và khuyến cáo bà con không nên trồng ồ ạt để tránh rủi ro…

Như vậy, có thể nói, cây mắc ca có triển vọng phát triển trên địa bàn Tây Nguyên. Tuy nhiên, đây là loài cây mới nên cần phải được đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi ra sản suất, đặc biệt là công tác chọn giống và quy hoạch vùng trồng cho cây mắc ca.


Anh Dũng


Chưa nên trồng mắc ca trên diện rộng
Chưa nên trồng mắc ca trên diện rộng

Cây mắc ca được ca ngợi là cây tỉ đô bởi mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tại thời điểm này, Tây Nguyên chưa nên phát triển ồ ạt diện tích trồng mắc ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN