Phóng viên báo Tin tức đã phỏng vấn ông Đinh Quang Trung, Phó Trưởng Ban Kinh doanh than, TKV xoay quanh câu chuyện cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện, đảm bảo an ninh năng lượng trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Thưa ông, thời gian qua, tình trạng một số nhà máy nhiệt điện bị thiếu than phải sản xuất cầm chừng khiến nhiều người lo ngại khả năng thiếu điện sẽ xảy ra trong năm tới. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Than đóng vai trò quan trọng đối với các ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất điện. Việc thiếu nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện là một thực tế, đây là thách thức lớn đối với an ninh năng lượng quốc gia.
Nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 39% tổng nguồn cung năng lượng của thế giới và đến năm 2030 con số này sẽ tăng thêm 1,5% nữa. Hiện trong cơ cấu điện của Việt Nam thì nhiệt điện than cũng chiếm khoảng 40%.
Đến năm 2030, theo quy hoạch, sản lượng nhiệt điện than chiếm khoảng 50%. Một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Australia, Ấn Độ... nhiệt điện than cũng chiếm tỷ lệ trên 40% . Như vậy, trong vòng 15 - 20 năm nữa, vai trò của than trong sản xuất điện của Việt Nam vẫn rất quan trọng .
Thiếu than cho các nhà máy điện là vấn đề đã được lường trước từ lâu. Hiện có 2 đơn vị cung cấp nguồn than chính trong nước là TKV (chiếm khoảng 85 - 87%) và Tổng Công ty Đông Bắc. Ngoài ra, có một đơn vị của nước ngoài.
Với lượng sản xuất hiện nay đạt 40 - 41 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu lên đến trên 50 triệu tấn cho các nhà máy nhiệt điện thời gian tới, thì rõ ràng là việc đáp ứng than antraxit (có chất bốc thấp và nhiệt năng cao) đảm bảo cho các nhà máy điện trong nước là không khả thi. Nguy cơ thiếu than là hiện hữu.
Hiện nay, than chủ yếu tập trung tại mỏ than Đông Bắc với trữ lượng khoảng 48,9 tỉ tấn than antraxit. Nhu cầu than cho điện tăng với tốc độ rất nhanh. Năm 2020, theo quy hoạch cần khoảng 60 triệu tấn than, năm 2025 cần 90 triệu tấn than và năm 2030 lên tới hơn 120 triệu tấn than.
Trong kế hoạch 2017 - 2030, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 70 triệu tấn than bitum hoặc á bitum. Đây không thuần túy là vấn đề thương mại mà mục tiêu là để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Vậy tình hình cung cấp than của TKV hiện nay như thế nào để đáp ứng nhu cầu này, thưa ông?
Nhu cầu sử dụng điện năm nay đã tăng đột biến hơn 20% so với năm 2017, cần khoảng 54 triệu tấn than. TKV đã nỗ lực tổ chức cung cấp than cho các hợp đồng điện, đảm bảo cung cấp trên 90%, có hợp đồng cung cấp trên 100% hợp đồng đã kí kết.
Nhưng do nhu cầu của các nhà máy muốn có thêm than để dự trữ, nên TKV đã điều chỉnh kế hoạch đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy điện.
Giai đoạn 2015 - 2017 thị trường than thế giới ảm đạm, giá than giảm sâu, duy trì mức thấp trong thời gian dài. Điều này dẫn đến tồn kho cao của TKV và than Đông Bắc. Năm 2018, thị trường hoàn toàn thay đổi. Nhu cầu than trong nước tăng đột biến, đặc biệt là than cho sản xuất điện. Hiện TKV phải huy động hết than tồn kho cho sản xuất điện.
11 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã phải nhập khẩu trên 18 triệu tấn than. Cuối năm 2018, tồn kho của TKV giảm đáng kể, gần như không còn nguồn để chuyển sang 2019.
Vì vậy, TKV đã phải làm việc với EVN, Tập đoàn Dầu khí (PVN) và các đơn vị khác để cân đối nguồn than cho sản xuất điện từ lượng than sản xuất thực tế và nhiều giải pháp khác.
Tại sao 2 tập đoàn lớn là TKV và EVN không có kế hoạch sớm, lường trước nguy cơ tăng trưởng sản lượng điện để dự trữ than ngay từ đầu năm?
Vấn đề này phải hỏi Cục Điều tiết điện lực hoặc EVN. Kế hoạch do EVN xây dựng, TKV đảm bảo cung cấp theo hợp đồng đã ký kết với EVN.
Theo quy định của hợp đồng thì có thể cung ứng cộng, trừ trong 10%. Khi nhu cầu than cho điện tăng thì chúng tôi phải đáp ứng ở mức tối thiểu là 90%. Hiện có nhà máy đã đáp ứng 100% như nhiệt điện Quảng Ninh. Cái chính là nhiều nhà máy có nhu cầu lấy thêm than để tồn kho, dự trữ.
Kế hoạch cho năm 2019, dự kiến nhu cầu tăng lên, chúng tôi đang làm việc với các nhà máy để nắm nhu cầu cụ thể.
Việc cân đối giữa khả năng khai thác của TKV với nhu cầu than tăng đột biến như thế nào?
Chắc chắn than trong nước không thể đủ cho sản xuất điện, hiện nay chúng tôi đã phải nhập khẩu than và có kế hoạch pha trộn, chúng tôi đã trao đổi với EVN về vấn đề đó. Năm 2019, chúng tôi sẽ nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn than để pha trộn.
Nhập khẩu thì giá than sẽ theo thị trường, cũng như giá xăng dầu. Hiện nay, xu hướng giá thế giới đang tăng, các chỉ số giá như giá than nhiệt của Úc tăng 102 - 103 USD/tấn.
Giải pháp lâu dài của TKV là gì để đảm bảo cung ứng đủ than cho nhiệt điện?
Trước mắt, chúng tôi đẩy mạnh tiến độ xin cấp phép khai thác mỏ cho các dự án mỏ than trong nước. Nhu cầu than antraxit chủ yếu tập trung ở khu vực phía Bắc và một số nhà máy miền Trung. Phía Nam theo quy hoạch chủ yếu sử dụng nguồn than nhập khẩu.
Chúng tôi cũng ký kết các hợp đồng cung cấp than dài hạn đối với các Tập đoàn kinh tế lớn như EVN, PVN và các nhà máy khác có nhu cầu sử dụng nguồn than trong nước, cân đối trên cơ sở năng lực sản xuất của TKV.
Trường hợp các hộ sử dụng có nhu cầu cao hơn năng lực của TKV thì TKV sẽ nhập khẩu để bù cho lượng thiếu hụt đó theo giá thị trường thế giới.
Việc EVN hay PVN chủ động nhập khẩu được Chính phủ cho phép không có vấn đề gì cả, tùy thuộc hoạt động doanh nghiệp. Điều này đang dần hình thành thị trường than cho điện tại Việt Nam.
Chúng tôi đã trao đổi sát sao với EVN theo chỉ đạo của Bộ Công Thương để sử dụng nguồn than pha trộn, đảm bảo cung cấp nguồn than thiếu hụt cho các nhà máy điện trong nước; tổ chức khâu chế biến pha trộn.
Về lâu dài, phải đầu tư mở rộng mỏ, nâng cao năng suất để đảm bảo nguồn than trong nước, hợp tác với các nhà sản xuất khác. Đầu tư các mỏ than nước ngoài để chủ động nguồn than nhập khẩu.
Việc đầu tư các mỏ than tại nước ngoài đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, phải xin giấy phép của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng như kinh nghiệm của Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ... họ muốn có nguồn than lâu dài thì phải tham gia đầu tư mỏ, họ sẽ được chia một tỷ lệ nhất định trên cơ sở đóng góp tại các mỏ than.
Một giải khác nữa là xây dựng các hệ thống trung tâm than, cảng bến trung chuyển khu vực miền Bắc, Trung, Nam đảm bảo nguồn cung cấp than lâu dài; từng bước xây dựng thị trường than tại Việt Nam lành mạnh.
TKV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường và các bộ ngành đẩy mạnh việc cấp phép mới cho các mỏ than, chỉ đạo Bộ Tài chính về giá bán than cho điện, cho phép TKV được để lợi nhuận sau thuế để đối ứng vốn.
Với Bộ Công Thương, đề nghị xem xét kế hoạch huy động điện cho phù hợp với thực tế, tránh huy động quá cao, phê duyệt với nguồn than pha trộn, riêng nguồn than nước ngoài phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường.
Xin cám ơn ông!