Hy vọng được chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của người dân xã Trung Thành (huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đang dần trở thành nỗi thất vọng. Họ đã chờ quá lâu, mà khu công nghiệp “treo” đến nay vẫn dang dở.
Cách đây chỉ mới hơn 2 năm, người dân xã Trung Thành (huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) vô cùng phấn khởi khi Dự án đầu tư hạ tầng KCN Trung Thành do Công ty TNHH Lệ Trạch (Đài Loan) làm chủ đầu tư với tổng vốn đăng ký lên tới 200 tỷ đồng chính thức triển khai tại xã. Dự án thực hiện trên diện tích gần 50 ha, trong đó, đất dành cho các xí nghiệp công nghiệp gần 36 ha, đất dịch vụ công cộng 1 ha, đất hạ tầng kỹ thuật 1 ha, đất cây xanh vườn hoa, cây xanh cách ly gần 5 ha và đất giao thông hơn 7 ha.
Dự án “dậm chân”
Ngày khởi công, chủ đầu tư phấn khởi cho biết: Dự án được thực hiện sẽ góp phần tạo cho huyện Phổ Yên một hạ tầng khu công nghiệp hoàn chỉnh, hiện đại, làm tăng khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước vào tỉnh, tăng cường thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2008 - 2010 và những năm tiếp theo. Để "tiếp sức" cho dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại tỉnh Thái Nguyên trong lĩnh vực phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp này, tỉnh Thái Nguyên đã ứng nguồn ngân sách 43 tỷ để giải phóng mặt bằng (GPMB) cho chủ đầu tư...
Khu công nghiệp Trung Thành hơn 2 năm vẫn bỏ hoang. |
Thế nhưng hy vọng về cơ hội để chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của người dân địa phương từ Dự án Khu công nghiệp Trung Thành ngày càng trở thành nỗi thất vọng tràn trề, bởi từ ngày khởi công (30/5/2008) đến nay, diện mạo của khu công nghiệp này chỉ là một đoạn đường thi công dở dang, ngổn ngang đất đá và đoạn tường dài hơn trăm mét chơ vơ giữa cánh đồng...
Dự án "dậm chân tại chỗ" không chỉ ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh, của huyện đã đành mà còn khiến hàng trăm hộ trong khu vực quy hoạch khu công nghiệp thuộc 6 xóm: Xuân Vinh, Phú Thịnh, Hưng Thịnh, Hợp Thinh, Kim Tỉnh, Cẩm Trà lâm vào cảnh "đi không được, ở không xong".
Ông Nguyễn Văn Vượng - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: 415 hộ dân của 6 xóm trong xã đã bàn giao diện tích 45 ha đất nông nghiệp cho dự án. Từ vụ xuân 2008, bà con đã không gieo cấy để chờ nhận kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Không còn tư liệu sản xuất mà mong mỏi có khu công nghiệp để con cháu được tuyển dụng làm công nhân trong khu công nghiệp ngày càng xa. Bản thân gia đình ông cũng mất 4.000 m2 đất nông nghiệp, ruộng vườn đã giao cho chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư lại để đất hoang trong khi các con, các cháu trong gia đình ông phải đi làm thuê.
Người dân lay lắt…
Ông Ngô Xuân Lâm - Bí thư chi bộ xóm Hưng Thịnh đang gặp phải không ít khó khăn do việc chậm trễ xây dựng khu công nghiệp. Là hộ gương mẫu đi đầu trong việc di dời đến khu tái định cư, ông Lâm tự bỏ tiền san lấp mặt bằng xây dựng mà đến nay vẫn chưa được bồi thường tài sản trên đất, nguồn thu nhập chính của gia đình có tới 3 - 4 thế hệ đang sinh sống chủ yếu trông chờ vào tiền phụ cấp chất độc da cam của ông. Ra khu tái định cư mới, đất đai chỉ đủ xây cái nhà, chuyển đổi ngành nghề từ trồng ngô, trồng lúa sang chăn nuôi nhưng ít kinh nghiệm, dịch bệnh gia súc, gia cầm lại nhiều nên nuôi con lợn, con gà cũng bấp bênh, lúc được, lúc mất...
Chính quyền địa phương rất mong các cơ quan có thầm quyền yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đúng tiến độ đã cam kết (hoàn thành toàn bộ vào năm 2012) hoặc phải chuyển dự án cho chủ đầu tư khác có năng lực hơn.
Trên thực tế, mặt bằng 48 ha đất dành cho Khu công nghiệp Trung Thành về cơ bản đã được giải phóng, số diện tích chưa giải phóng chỉ còn khoảng 2.000 m2. Vì triển khai không đúng tiến độ, trong tháng 5 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã đưa Dự án đầu tư hạ tầng KCN Trung Thành vào trong danh sách các dự án đầu tư đề nghị thu hồi. Nhưng ngay lập tức, phía Công ty TNHH Lệ Trạch đã có công văn gửi cho huyện Phổ Yên thông báo về việc có doanh nghiệp muốn đầu tư vào KCN nhưng vị trí lựa chọn lại đúng vào khu đất 2.000 m2 chưa giải phóng mặt bằng...
Với vị trí khá "đắc địa", nằm nay cửa ngõ của tỉnh Thái Nguyên, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, rõ ràng việc chậm triển khai Dự án hạ tầng KCN Trung Thành không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh mà còn kéo theo nhiều khó khăn trong thực hiện công tác an sinh xã hội cho người dân địa phương. Do vậy, người dân xã Trung Thành đang rất mong các cơ quan chức năng sớm giúp bà con kết thúc cảnh “mỏi mòn chờ khu công nghiệp” như hiện nay.
Bài và ảnh: Hoàng Thảo Nguyên