Thái Nguyên đặt mục tiêu thu hút trên 200 triệu USD vào các khu công nghiệp

Năm 2017, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu thu hút được trên 10 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn với tổng vốn đăng ký trên 200 triệu USD. Các khu công nghiệp đạt giá trị xuất khẩu 21 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước 4.000 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho trên 3.000 lao động...

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên đã xác định tập trung triển khai một số giải pháp chủ yếu như: cải cách hành chính và thu hút đầu tư, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tiết giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục để bảo đảm thời gian cho tất cả các lĩnh vực chỉ bằng 1/10 thời gian so với quy định.

Tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần của nhà đầu tư để bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ tại KCN Sông Công II có diện tích 250ha; chủ động nắm bắt những khó khăn phát sinh trong hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp; thay đổi phương thức vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng hiệu quả, coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ. Đồng thời định hướng, lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề để thu hút đầu tư vào KCN, trong đó ưu tiên thu hút dự án đầu tư lớn công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện môi trường...

Ông Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên, cho biết cụ thể hóa các giải pháp của UBND tỉnh trong thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn, Ban quản lý các KCN Thái Nguyên tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Việc làm này nhằm hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cũng như bảo đảm ổn định về an ninh trật tự, tạo sự an tâm cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào KCN.

Bên cạnh đó, Ban quản lý sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn, khí thải, nước thải tại các doanh nghiệp trong KCN và nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN Sông Công I, KCN Yên Bình, KCN Điềm Thụy. Đồng thời phối hợp tốt với UBND các huyện, xã nơi có KCN, các nhà thầu thi công để theo dõi, đôn đốc, nắm bắt tình hình bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó phối hợp thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khởi công xây dựng KCN Sông Công II theo đúng tiến độ...

Theo thống kê của Ban quản lý các KCN Thái Nguyên, trong năm qua, các KCN tại Thái Nguyên đã thu hút được 30 dự án đầu tư mới trong đó có 22 dự án FDI và 8 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký cấp mới là 126,84 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư vào KCN Điềm Thụy, KCN Yên Bình và KCN Sông Công I.

Hiện tại, các KCN Thái Nguyên đã có 164 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 83 dự án FDI và 81 dự án trong nước với tổng số vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD và trên 11.900 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư đã thực hiện là 6,3 tỷ USD và 7.900 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 90.000 lao động. Riêng năm 2016, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN tại Thái Nguyên ước đạt 20 tỷ USD và 3.500 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong KCN nộp ngân sách ước đạt 3.800 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong các KCN đạt trên 19 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh. 
Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Thái Nguyên
Lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Thái Nguyên

ngày 6/11/1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX đã phê chuẩn việc chia tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ngày 1/1/1997, tỉnh Thái Nguyên chính thức được tái lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN