Thái Lan gặp khó khăn khi xuất khẩu sầu riêng

Theo tờ The Nation Thailand, hàng loạt phòng thí nghiệm chất Cơ bản Vàng 2 (BY2 hoặc Vàng O) của Thái Lan đang bị Trung Quốc đình chỉ hoạt động, gây ra cuộc khủng hoảng xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan.

Chú thích ảnh
Sầu riêng được bày bán trong một siêu thị ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: TTXVN

Xuất khẩu sầu riêng được xác định là lĩnh vực mũi nhọn của nông nghiệp Thái Lan, trị giá hàng nghìn tỷ baht. Tuy nhiên, lĩnh vực này đã bị gián đoạn đáng kể do sầu riêng xuất khẩu của Thái Lan có nhiễm chất BY2. Đây là một hợp chất hữu cơ dạng bột màu vàng, thường được sử dụng để nhuộm vải, giấy, da và sơn nhà. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại BY2 là chất gây ung thư Nhóm 2B.

Theo quy định mới của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) có hiệu lực từ ngày 10/1/2025, tất cả các lô sầu riêng Thái Lan nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua bất kỳ cửa khẩu nào đều phải cung cấp giấy chứng nhận không có chất BY2. Nếu các nhà xuất khẩu Thái Lan không cung cấp kết quả xét nghiệm xác nhận các lô sầu riêng không chứa chất BY2, tất cả các trạm kiểm soát của hải quan Trung Quốc sẽ từ chối nhập khẩu.

Để ứng phó với tình trạng này, Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã chỉ định 13 cơ sở có đủ điều kiện xét nghiệm chất BY2 với tổng công suất xét nghiệm hơn 3.000 mẫu/ngày – được đánh giá là đủ để phục vụ mùa xuất khẩu sầu riêng năm 2025.

Tuy nhiên, hiện có một nửa số phòng thí nghiệm này đang bị GACC yêu cầu đình chỉ hoạt động, gây ra những gián đoạn nghiêm trọng cho thị trường. Hệ quả là từ ngày 15/4, nhiều doanh nghiệp thu mua quy mô lớn đã tạm ngưng thu mua sầu riêng từ nông dân địa phương và chờ các động thái tiếp theo từ phía chính phủ Thái Lan.

Những diễn biến này diễn ra trước cuộc họp quan trọng giữa cơ quan chức năng Thái Lan với Trung Quốc vào ngày 8/4.

Ông Sanchai Puranachaikiri, cố vấn của Hiệp hội thương nhân và xuất khẩu trái cây Thái Lan, cho biết việc các doanh nghiệp tạm ngưng thu mua sầu riêng dường như là động thái có chủ đích nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ đến chính phủ về mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

“Đây không còn là vấn đề chỉ thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan nữa. Nó đã leo thang thành vấn đề cấp quốc gia. Công bằng mà nói, Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã tích cực giải quyết tình hình. Tuy nhiên, tại thời điểm này, vấn đề BY2 đã phát triển thành vấn đề chính trị cấp quốc gia”, ông nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết thêm rằng, trước đây chất BY2 hiếm khi bị phát hiện trong các lô hàng sầu riêng xuất khẩu của Thái Lan và nếu có thì nồng độ cũng rất thấp. “Hôm nay, chúng tôi tổ chức hoạt động biểu tình để thúc giục chính phủ, không chỉ các bộ có liên quan, phải hành động. Thủ tướng hiện phải thừa nhận và giải quyết vấn đề này theo phương diện ngoại giao để tháo gỡ cuộc khủng hoảng”.

“Tình hình hiện tại thực sự rất nghiêm trọng. Chúng tôi mới phát hiện ra dấu vết của BY2 trong các thùng carton đựng sầu riêng, khiến tình hình trở nên vô vọng. BY2 là chất dễ phát tán, chỉ cần 2 microgam cũng có thể gây ra rắc rối. Trong khi đó, phía Trung Quốc đặt ngưỡng cho phép ở mức 0 tuyệt đối. Khi các hộp được làm từ giấy tái chế, thì việc tồn dư một lượng thuốc nhuộm có thể là điều dễ hiểu. Nếu chúng ta tiếp tục cố gắng giải quyết vấn đề bằng các giải pháp chữa cháy, chúng ta sẽ không đi đến đâu cả. Can thiệp ngoại giao hiện là cần thiết, vì các yêu cầu hiện tại do Trung Quốc áp đặt gần như không thể đáp ứng được", ông Sanchai Puranachaikiri nói thêm.

Trên cơ sở đó, ông đề xuất: “Chúng ta cần đề nghị một tiêu chuẩn hợp lý hơn – chỉ yêu cầu không có BY2 trong phần cơm của quả sầu riêng, thay vì áp dụng cho toàn bộ trái cây hay cả bao bì. Đây sẽ là biện pháp an toàn thực phẩm có cơ sở khoa học hơn”.

Liên quan đến việc Trung Quốc đề nghị đình chỉ hoạt động của một số phòng xét nghiệm Thái Lan, ông Sanchai cho rằng cần có sự minh bạch rõ ràng. Ông nhấn mạnh việc đóng cửa phòng thí nghiệm phải đi kèm với các tiêu chí cụ thể. Ví dụ, một phòng xét nghiệm có thể cho kết quả sai bao nhiêu lần trước khi bị đình chỉ. Đồng thời, các thông tin này cần được thông báo một cách rõ ràng cho Bộ Nông nghiệp Thái Lan, thay vì chỉ ra quyết định đóng cửa mà không có lời giải thích rõ ràng.

Giải pháp của Hiệp hội xuất khẩu sầu riêng và măng cụt Thái Lan

Những phát biểu trên của ông Sanchai Puranachaikiri dường như có nhiều điểm tương đồng với tuyên bố của ông Montonn Pariwat, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu sầu riêng và măng cụt. Ông Montonn thừa nhận rằng tình hình xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan vào năm 2025 thực sự đang trong tình trạng khủng hoảng. Ông đã nêu ra các đề xuất chính từ hiệp hội cho chính phủ:

Thứ nhất là cần đàm phán ngoại giao khẩn cấp với Trung Quốc. Ông nhấn mạnh, bất kể có thành công hay không thì các cuộc thảo luận phải bắt đầu ngay lập tức. Thái Lan nên tiếp tục xét nghiệm các chất gây hại như cadimi và BY2, nhưng cần áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, kết quả kiểm tra cần được tách riêng giữa phần cơm và phần vỏ sầu riêng.

Cụ thể, kết quả xét nghiệm đối với phần cơm và vỏ sầu riêng phải được tách biệt với nhau. Các nhà xuất khẩu Thái Lan nhất trí rằng phần cơm phải có mức BY2 bằng 0, nhưng với phần vỏ, nên áp dụng ngưỡng cho phép theo bộ tiêu chuẩn Codex Alimentarius – hiện đã có hiệu lực – nhằm đảm bảo tính thực tiễn.

Thứ hai là xem xét lại quyết định đóng cửa các phòng thí nghiệm của GACC. Theo ông Montonn, trên thế giới, việc yêu cầu đóng cửa hoàn toàn phòng xét nghiệm không phải là thông lệ phổ biến. Phòng thí nghiệm chỉ là một phần trong chuỗi kiểm định chất lượng xuất khẩu, và quy trình này khác nhau tùy theo từng quốc gia.

Thông thường, nếu một lô hàng không đạt chuẩn, nước nhập khẩu sẽ chỉ cấm lô hàng đó hoặc doanh nghiệp xuất khẩu cụ thể, chứ không đình chỉ toàn bộ phòng thí nghiệm như Trung Quốc đang thực hiện. Điều này chưa từng có tiền lệ trong thương mại quốc tế.

Thứ ba là sự thiếu minh bạch trong các quyết định đình chỉ phòng xét nghiệm từ GACC. Các phòng thí nghiệm bị yêu cầu đóng cửa hiện chỉ nhận được quyết định tạm dừng, nhưng không được cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về lô hàng có vấn đề, chẳng hạn như số hiệu container, đơn vị vận chuyển, công ty liên quan hay kho hàng sầu riêng bị ảnh hưởng.

"Tóm lại, cho đến nay chúng ta vẫn chưa nhìn thấy những quả sầu riêng là nguyên nhân khiến các phòng thí nghiệm phải đóng cửa. Do đó, cả ba điểm đều dẫn đến kết luận rằng chính phủ Thái Lan cần đàm phán với chính phủ Trung Quốc để làm rõ và đưa ra phản hồi về những lô sầu riêng mới sắp được đưa ra thị trường", ông Montonn cho biết.

Kiến nghị của Hiệp hội sầu riêng Thái Lan

Ông Wuttichai Khunjet, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan, cũng lên tiếng về vấn đề các phòng thí nghiệm bị đình chỉ.

Ông cho rằng việc này khiến tình hình bên ngoài có vẻ yên ắng, nhưng thực tế thì Thái Lan vẫn phải chờ xem phía Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp gì tiếp theo, đặc biệt là khi loại sầu riêng Monthong sắp bước vào vụ thu hoạch quy mô lớn ngay sau Tết cổ truyền Thái Lan Songkran.

Theo ông, một công văn từ chính phủ Trung Quốc gần đây đã đề xuất sử dụng một công ty trung gian đặt tại Thái Lan để đảm bảo kết quả xét nghiệm từ các phòng thí nghiệm – như một hình thức đảm bảo để cho phép sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Thái Lan đã không chấp nhận đề xuất này.

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, Thái Lan hiện đã có hệ thống phòng xét nghiệm đạt chuẩn để phục vụ xuất khẩu và không nên cho phép bất kỳ công ty tư nhân nào kiểm soát quá trình này vì nó sẽ can thiệp quá nhiều vào thẩm quyền của Thái Lan”, ông Wuttichai nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Natthakrit Olarnhiranrak, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Nông nghiệp Thái Lan – Trung Quốc đã đăng một bài viết liên quan trên tài khoản Facebook "Goodwill Goodwill".

Ông cho biết: "Với nhiều phòng thí nghiệm bị đình chỉ gần đây, đến ngày 9/4, chúng ta có thể không còn bất kỳ phòng thí nghiệm nào được chứng nhận để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Nếu không có chứng nhận này, các kho sầu riêng sẽ không thể có được giấy chứng nhận xuất khẩu, và người nông dân sẽ làm gì?".

Ông yêu cầu cần tiến hành cuộc họp vào sáng ngày 8/4 tại tỉnh Chanthaburi để yêu cầu chính phủ Thái Lan có hành động nghiêm túc nhằm sớm giải quyết vấn đề, đặc biệt là để các lô sầu riêng lớn, bắt đầu tung ra thị trường sau ngày 15/4, có thể được xuất khẩu.

Bình Thanh/Báo Tin tức
Giá sầu riêng tăng mạnh
Giá sầu riêng tăng mạnh

Giá sầu riêng tại Tiền Giang đang tăng mạnh, nông dân các vùng chuyên canh hết sức phấn khởi bởi có thu nhập cao từ cây trồng đặc sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN