Đồng thời, truy xuất nguồn gốc dựa trên các đặc điểm, điều kiện, năng lực sản xuất nông nghiệp của tỉnh và yêu cầu của thị trường.
Với thế mạnh thâm canh nông nghiệp, tỉnh Thái Bình xác định: đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản là một trong những giải pháp trọng tâm thích ứng với thị trường, tạo nên nền nông nghiệp phát triển bền vững; trong đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ xây dựng thí điểm mô hình tiêu thụ nông sản có tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại chợ truyền thống và theo chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng để tạo lập và phát triển thị trường trong nước.
Cùng với đó, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn phù hợp với lợi thế của mỗi địa phương và yêu cầu thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản; gắn với tổ chức thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại.
Các mô hình hợp tác xã thương mại và dịch vụ sẽ được sắp xếp, củng cố lại, sớm đưa các tổ chức này trở thành trung gian cần thiết giữa nông dân với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và ngân hàng, để tổ chức cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho nông dân.
Theo kế hoạch được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt, để đạt mục tiêu đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, tạo vị thế vững chắc cho nông sản Thái Bình trên thị trường trong và ngoài nước, thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ rà soát thực trạng quy hoạch vùng, quy hoạch sản xuất hàng hóa nông sản trên địa bàn theo quy mô lớn.
Cùng đó, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích thương nhân, nông dân áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, cơ chế chính sách xây dựng mô hình thí điểm bán hàng nông sản hoặc mô hình thí điểm điểm bán hàng nông sản theo chuỗi, chuỗi cửa hàng bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, tỉnh hiện có diện tích khoảng 77.000 ha trồng lúa, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm. Cây vụ Đông dần trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm với giá trị sản xuất đạt 24-25% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Về chăn nuôi, tỉnh Thái Bình có quy mô đàn lợn khoảng 796.000 con, gia cầm 14 triệu con, đàn trâu bò 57.200 con. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 15.746 ha; trong đó, nước mặn 3.169 ha, nước lợ 3.638 ha và nước ngọt 8.939 ha.
Tuy nhiên so với điều kiện tự nhiên, năng lực sản xuất, hiện phương thức tiêu thụ nông sản của Thái Bình vẫn nặng về truyền thống, chưa tiếp cận được với thị trường lớn, chưa hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, hạn chế các hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết… dẫn đến nông sản khó có chỗ đứng trên thị trường.
Thống kê của ngành nông nghiệp Thái Bình cho thấy, toàn tỉnh hiện chỉ có trên 200 cánh đồng sản xuất tập trung có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, tổng diện tích trên 14.000 ha/năm (chủ yếu là lúa 13.000 ha/năm; cây màu 1.000 ha/năm).
Chăn nuôi theo hướng VietGAHP còn hạn chế, mới chỉ có 8 trang trại được chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt, 73 mô hình nông hộ, tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận VietGAP và chỉ có 5 doanh nghiệp tham gia liên kết trong chăn nuôi với 33 chủ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2020, tỉnh Thái Bình mới chỉ có 17 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao.