Tết cho công nhân: Người 'tươi', kẻ 'héo'

Vào những ngày gần Tết này, đã có nhiều doanh nghiệp thưởng Tết cho công nhân, nhưng cũng có doanh nghiệp còn khó khăn, nợ lương, thưởng khiến người lao động lao đao.


Chăm lo Tết cho công nhân nghèo


Các cấp chính quyền, ngành và doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động nhằm chăm lo Tết cho công nhân trong khả năng cho phép. Anh Tô Hồng Thịnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty NKV (KCN Nội Bài), chuyên về vận tải logistics cho biết: Dù kinh doanh trong năm qua còn nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn khẳng định thưởng Tết 1 tháng lương và tổ chức chương trình tất niên, bốc thăm trúng thưởng và tặng quà cho công nhân có thành tích xuất sắc.


Bà Phạm Thị Vân Anh, Chủ tịch công đoàn Công ty Canon Việt Nam cho biết: Với hơn 22.000 lao động, dịp Tết, công ty thưởng 2 tháng lương. Đồng thời công ty tự bố trí 200 xe đưa 6.000 công nhân về quê ăn Tết, đồng thời lên kế hoạch bố trí xe đón công nhân trở lại làm việc sau Tết. Chính vì vậy, sau Tết, có tới 98% công nhân trở lại làm việc đúng hẹn.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, đối với lao động nghèo tại các khu công nghiệp và chế xuất, hiện không có hình thức hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bằng các chương trình xã hội hóa từ phía doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, chính quyền vẫn sẽ bảo đảm cho công nhân thu nhập thấp có quà Tết, hỗ trợ vé xe miễn phí. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung như hiện nay, về phía các cơ quan có thẩm quyền, nhà chức trách đều đã dành sự quan tâm, chăm lo một cách tốt nhất.


Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, đơn vị đã cùng với công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động thực hiện tốt việc bảo đảm chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ chính sách đối với công nhân để họ có cái Tết đầy đủ. “Đến thời điểm này, chúng tôi đã phát hơn 2.000 vé cho công nhân về quê trên 50 xe ô tô vào ngày 27 - 28/1. Bên cạnh đó, với những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, các đơn vị cũng lên danh sách để trao quà Tết”, ông Toản nhấn mạnh.


Theo Liên đoàn Lao động Hà Nội, hiện công đoàn đã chuẩn bị hơn 2,6 tỷ đồng quà Tết, trong đó hơn 1,6 tỷ đồng dành để hỗ trợ công nhân nghèo xây sửa nhà và bố trí hàng trăm chuyến xe đưa công nhân có nhu cầu về quê đón Tết, đồng thời lên kế hoạch tổ chức hoạt động vui xuân cho người lao động ở lại các đơn vị, doanh nghiệp... Sở Công Thương Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị thương mại trong chương trình bình ổn giá tổ chức các phiên chợ Việt đưa nguồn hàng đa dạng để đưa hàng bảo đảm chất lượng với ưu đãi bình ổn giá đến với công nhân lao động.


Khó khăn vẫn còn


Đến con ngõ nhỏ thuộc thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội những ngày giáp Tết, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Nhung, quê ở Thanh Hóa, từng làm công nhân tại Công ty Nielsen Việt Nam. Chị Nhung cho biết: “Tôi vừa nghỉ làm tại công ty cuối tháng 12/2013. Tôi làm ở đây được 6 tháng, công ty ký hợp đồng thời vụ 3 tháng một lần. Mới đây công ty cho nghỉ với lý do dịp Tết ít hợp đồng nên không bố trí được công việc. Tôi có đi tìm việc nhưng các công ty khác không nhận. Bây giờ mỗi công ty tuyển ít người, họ tuyển cũng khó lắm. Do đó, mong muốn lớn nhất là tìm việc làm ổn định để có thu nhập nuôi sống bản thân”.


Trong khi đó, anh Minh Hiền, công nhân một công ty xây dựng tại huyện Từ Liêm cho biết: “Đơn vị vẫn nợ lương 2 tháng nay và có hứa gần Tết trả với điều kiện đòi được nợ đối tác. Hoạt động xây dựng vẫn làm cầm chừng. Một nửa số công nhân đã được cho nghỉ cách đây vài tháng, số còn lại làm cầm chừng”.


“Có hiện tượng một số doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng thời vụ với người lao động rồi cho nghỉ trước Tết nên không nhận được các khoản thưởng hay phúc lợi vào dịp Tết. Tuy nhiên, đây là thỏa thuận dân sự giữa hai bên: Lao động và người sử dụng lao động nên khó xử phạt. Với những cơ sở có hoạt động công đoàn, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ kết hợp với ngành hữu quan kiểm tra, xử lý. Dù vậy, vấn đề này phụ thuộc rất lớn vào tình trạng kinh doanh doanh nghiệp”, đại diện Ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động Hà Nội cho biết.


Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động Hà Nội, hiện số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Tính hết tháng 10/2013 đã có hơn 10.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và có khoảng 24.000 lao động mất và thiếu việc làm. Qua kiểm tra, vẫn còn hơn 17.000 người chưa được ký hợp đồng lao động, nhiều lao động mặc dù có công việc thường xuyên nhưng chỉ được ký hợp đồng từ 1 đến 3 tháng. Những thỏa ước lao động tập thể ở khu vực ngoài Nhà nước vẫn mang tính hình thức, nội dung chủ yếu sao chép các quy định của pháp luật, ít có điều khoản quy định có lợi cho người lao động.


Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Liên đoàn Lao động Hà Nội cũng phối hợp với Sở LĐ,TB&XH, Bảo hiểm xã hội cùng các ngành tham gia kiểm tra rà soát. Những trường hợp ký kết không đúng pháp luật thì liên đoàn cùng các sở, ngành kiểm tra tham gia đột suất và xử lý, yêu cầu làm đúng Luật Lao động.


Xuân Cường - Thoa Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN