Tây Ninh thực hiện giải ngân cho vay nguồn vốn theo Nghị quyết 11 của Chính phủ

Ngày 27/4, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Tây Ninh triển khai đồng loạt giải ngân hơn 3,7 tỷ đồng cho 104 khách hàng vay vốn thuộc 5 huyện, thị xã gồm: Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu và Tân Biên về chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11 ngày 30/1/2022 của Chính phủ.

Chú thích ảnh
Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Tây Ninh hướng dẫn người dân làm thủ tục tại điểm giao dịch thuộc xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. 

Theo kế hoạch được giao, Tây Ninh có 30 tỷ đồng được triển khai giải ngân trong đợt này, diễn ra từ ngày 27 - 29/4, với 9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh dành cho 646 khách hàng được xem xét cho vay hỗ trợ.

Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Tây Ninh cho biết, khi nhận được nguồn vốn từ Trung ương phân bổ về cho Tây Ninh các Chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã nhanh chóng triển khai cho vay trong thời gian sớm nhất có thể nhằm kịp thời hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 có nguồn vốn phục hồi phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Trong quý I/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã giải ngân được trên 231 tỷ đồng; trong đó, cho vay hộ nghèo 2,1 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 3,3 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo 9 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 102 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm với số tiền 69,7 tỷ đồng, cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất 33,5 tỷ đồng, học sinh sinh viên 10,7 tỷ đồng…

Tổng nguồn vốn (tính đến ngày 31/3/2022) đạt 2.996,4 tỷ đồng, tăng 72,4 tỷ đồng (tăng 2,48%) so với cuối năm 2021; trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 2.125,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 70,92% tổng nguồn vốn, tăng 21,34 tỷ đồng (tăng 1,01%) so với cuối năm 2021; nguồn vốn huy động đạt 578,5 tỷ đồng, tăng 17,1 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 68,3% kế hoạch tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 19,31% trong tổng nguồn vốn; vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 292,7 tỷ đồng, tăng 34 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 9,77% trong tổng nguồn vốn.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng (tính cuối tháng 3/2022) đạt 2.985,7 tỷ đồng, tăng 69,7 tỷ đồng với đầu năm (tăng 2,4%), đạt 35,6% kế hoạch tăng trưởng, với hơn 127.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Nợ quá hạn chiếm 0,42% trên tổng dư nợ.

Theo đánh giá của Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Tây Ninh, nguồn vốn tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất và dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, người nghèo có vốn làm ăn, có việc làm để từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Tin, ảnh: Phạm Thanh Tân (TTXVN)
Siết trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến áp lực vay vốn dồn sang hệ thống ngân hàng
Siết trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến áp lực vay vốn dồn sang hệ thống ngân hàng

Với động thái siết tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản và nắn lại việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, giới chuyên gia cho rằng, những điều này sẽ khiến áp lực vay vốn dồn sang hệ thống ngân hàng, đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN