Thời gian gần đây, nhiều chủ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) tại các tỉnh miền Trung phản ánh tình trạng mới đưa vào sử dụng tàu đã bị hư hỏng nặng.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phóng viên TTXVN đã liên hệ với nhiều chủ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67, tuy nhiên hầu hết các chủ tàu đều cho biết tàu vỏ thép của họ đều hoạt động tốt và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn tàu vỏ gỗ.
Để hiện đại hóa đội tàu đánh bắt thủy sản, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạm ngưng đóng tàu vỏ gỗ thay bằng vỏ sắt. Ảnh: nguồn báo Bình Định |
Anh Vũ Văn Sơn, ngụ xã Phước Hưng, huyện Long Điền là chủ của 3 chiếc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 đều đã đi vào hoạt động. Anh Sơn cho biết chiếc đầu tiên đã đi được 15 chuyến biển (25 ngày/chuyến), chiếc thứ 2 đi được 7 chuyến biển và chiếc thứ 3 đi được 4 chuyến.
Cũng theo anh Sơn, đến thời điểm này cả 3 tàu vỏ thép của anh đều hoạt động rất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần tàu vỏ gỗ. Bởi, tàu vỏ thép chịu được sóng, gió tốt, chạy nhanh hơn, bám biển được dài ngày hơn, chứa được nhiều cá, nhiều đá, giữ được nhiệt đá cũng tốt hơn gấp nhiều lần so với tàu gỗ.
Anh Sơn so sánh, trước đây tàu vỏ gỗ của gia đình anh đi một chuyến biển chỉ kéo dài cùng lắm cũng chỉ được 20 ngày, hải sản đánh bắt được phải bán ngay trên biển vì hầm chứa cá trên tàu nhỏ không chứa được nhiều, chính vì vậy nên giá không cao.
Còn tàu vỏ thép của anh đi một chuyến biển kéo dài đến 25 ngày, do tàu lớn nên sức chứa cũng nhiều nên kết thúc chuyến biển cập cảng vào bờ anh mới bán cá cho thương lái nên được giá hơn, chuyến biển của anh cũng có lời cao hơn.
Là chủ tàu nên anh Sơn giám sát rất kỹ việc triển khai đóng tàu, ngay từ khâu bản vẽ, thiết kế anh đã mất nhiều ngày làm việc với phía công ty thiết kế tàu để điều chỉnh cho phù hợp với ý của anh và với thực tế.
Trong thời gian 6 tháng đóng tàu tại xưởng đóng tàu của Công ty Cổ phần Kinh tế Thiên Trường (tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), anh Sơn luôn có mặt để giám sát, từ vật liệu đóng tàu đến thi công. Các thiết bị, máy móc trên tàu đều được kiểm tra cẩn thận, hàng mới và đạt chất lượng như vỏ tàu thép phải nhập từ Hàn Quốc (có chứng từ rõ ràng), máy cũng phải hãng chính hiệu mới 100% và được nhập từ Nhật Bản.
Bên cạnh sự giám sát của bản thân chủ tàu, anh Sơn cũng ký hợp đồng với bên đăng kiểm để kiểm tra chất lượng tàu trước khi đi vào hoạt động.
Còn anh Nguyễn Trường Quang, cũng ở xã Phước Hưng, huyện Long Điền, chủ của 2 chiếc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 phải mất 10 tháng trời bỏ hết công việc của gia đình để lấy xưởng đóng tàu của Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Cường Đạt (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) “làm nhà” để giám sát chặt chẽ việc đóng 2 chiếc tàu vỏ thép của gia đình.
Theo anh Quang, ngư dân đang chuẩn bị đóng mới tàu vỏ thép nên sắp xếp thời gian để giám sát chặt chẽ việc đóng tàu, từ khâu ra bản vẽ, thiết kế nên góp ý để được điều chỉnh cho phù hợp, ưng ý nhất với ý tưởng của chủ tàu.
Sau đó là giám sát chặt chẽ các khâu nguyên, vật liệu, máy móc, vật tư đóng tàu, không nên chủ quan giao khoán hết cho đơn vị đóng tàu để rồi chính ngư dân là người chịu hậu quả nặng nề nhất khi tàu đưa vào sử dụng.
Hiện nay, 2 tàu vỏ thép của gia đình anh Quang hoạt động rất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với tàu vỏ gỗ. Anh Quang cho biết, tàu của anh vừa kết thúc chuyến biển sau gần 1 tháng vươn khơi với sản lượng đánh bắt hơn 26 tấn cá thu. Tàu của gia đình anh hạ thủy vào cuối năm 2016. Đến nay, sau 8 chuyến đi biển, chất lượng máy cũng như vỏ tàu đều tốt, không có tình trạng hư hỏng.
Theo anh Quang, so với các tàu khác, tàu vỏ thép có nhiều ưu điểm như thân tàu cứng, chịu sóng gió tốt độ an toàn đi biển cao; thiết kế có nhiều khoang phao nếu có tai nạn xảy ra, tàu khó bị chìm hơn.