Tàu nhỏ khai thác ven bờ gia tăng hằng năm, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt trông thấy

Trong 10 năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ven bờ biển Việt Nam đã cạn kiệt, suy giảm rất mạnh. Tổng cục Thủy sản đang xây dựng đề án cấm khai thác có thời hạn ở khu vực này.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) với phóng viên báo Tin tức.

Chú thích ảnh
Thu mua hải sản ở Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN

Tổng cục Thủy sản đang xây dựng đề án cấm khai thác hải sản ở một số vùng biển ven bờ do cạn kiệt nguồn tài nguyên. Xin ông cho biết cụ thể về đề án này?  

10 năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ven bờ đã và đang cạn kiệt, suy giảm mạnh. Trong khi đó, lượng tàu nhỏ khai thác ven bờ gia tăng hàng năm, còn hệ thống bảo tồn, vùng cấm hạn chế khai thác, các bãi đẻ,  bãi giống… chưa được bảo vệ theo quy định. 

Do vậy, mục tiêu của đề án này là nhằm cấm có thời hạn, hạn chế khai thác từng vùng, các bãi đẻ, bãi giống, bảo vệ nguồn lợi ven bờ, từng bước phục hồi trở lại nguồn lợi thuỷ sản; đồng thời duy trì khai thác các vùng biển ven bờ bền vững. 

Tính đến năm 2017, tổng số tàu cá trên toàn quốc là 108.619 chiếc (chiếm 97,89%), tàu dịch vụ hậu cần 2.331 (chiếm 2,11%). Số lượng tàu cá khai thác xa bờ công suất lớn hơn 90CV là 33.410 chiếc (năm 2017), còn tới hơn 75.200 tàu cá khai thác gần bờ.
Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.

Trên thực tế, chúng ta cũng đã có quy định cấm đánh bắt tận diệt và dùng lưới mắt nhỏ để khai thác hải sản.  Nhưng dường như quy định này chưa được các địa phương thực hiện nghiêm túc, thưa ông?

Quy định này được nêu rõ trong các thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng ngư dân các địa phương vẫn thường xuyên vi phạm. Do vậy, khi đề án trên được đưa vào cuộc sống, sẽ cần tăng cường tuyên truyền, vận động, kiểm tra và xử phạt nghiêm vi phạm. 

Đề án cấm khai thác hải sản ở một số vùng biển ven bờ, cụ thể là những vùng nào thưa ông?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có số liệu điều tra về nguồn lợi thủy sản, cũng như xác định rõ các bãi đẻ, bãi giống, tọa độ các vùng cũng đã được xác định rất rõ. Vấn đề này sẽ sớm được Tổng cục Thủy sản hoàn thiện, công bố.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

H.V/Báo Tin tức
Luật Thủy sản 2017 sắp có hiệu lực - Bài 1: Nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên biển
Luật Thủy sản 2017 sắp có hiệu lực - Bài 1: Nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên biển

Ngày 1/1/2019 tới đây, Luật Thủy sản 2017 sẽ chính thức có hiệu lực với những quy định chi tiết, cụ thể đối với các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản… Với một địa phương dựa nhiều vào việc phát kinh tế biển như Cà Mau, đây rõ ràng là cơ hội để sắp xếp, quy hoạch lại quản lý, đưa kinh tế thuỷ sản phát triển ổn định, bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN