Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nguồn cát được cấp phép khai thác chỉ đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu của các thành phố lớn. Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển hạ tầng rất nhanh và mạnh nên nhu cầu về nguyên liệu này không ngừng tăng cao.
Gần đây, khi Chính phủ chỉ đạo và các cấp chính quyền vào cuộc chấn chỉnh tình trạng khai thác cát bừa bãi đã khiến những bất cập trong khai thác nguồn tài nguyên này lộ diện.
Nếu như thống kê của năm 2015 cho thấy nhu cầu sử dụng cát chỉ vào khoảng 92 triệu m3 thì năm 2020 phải tăng lên đến 130 triệu m3. Trong khi đó, tổng tài nguyên cát của Việt Nam chỉ ước khoảng khoảng 2,3 tỷ m3.
Khai thác cát trên sông Hậu đoạn qua quận Thốt Nốt, Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN |
Với tốc độ xây dựng như hiện nay, các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng, chỉ chưa đầy 15 năm nữa, nguồn cung cát sẽ cạn kiệt.
Câu chuyện không chỉ dừng lại ở hiện tượng siết chặt quản lý khiến “cát tặc” không dám lộng hành dẫn đến sốt nguồn cung gây tăng giá mạnh. Mấu chốt vấn đề là cần sớm có giải pháp để tìm nguyên liệu thay thế cho nguồn tài nguyên cát đang báo động về sự cạn kiệt.
Các chuyên gia đề xuất giải pháp sử dụng xỉ thải than tái chế thành cát nhân tạo và nhiều vật liệu phục vụ cho xây dựng. Hiện trữ lượng đất đá, xỉ thải than mỗi năm tại Quảng Ninh lên tới cả trăm triệu mét khối chính là một nguồn tài nguyên lớn để thay thế cát tự nhiên hiện nay.
Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, nếu không quy hoạch và không tìm loại vật liệu khác thay thế thì nguy cơ không còn cát để xây dựng là rất lớn. Ở nhiều công trình đã phải dùng đến cát nhân tạo, được tạo ra từ việc nghiền đá, như công trình thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu...
Một doanh nghiệp xây dựng chia sẻ, họ đang tính đến phương án sử dụng vữa xây tô trộn sẵn để thay thế phương thức truyền thống là dùng cát kết hợp với xi măng. Tuy nhiên, thị trường cung ứng vữa trộn sẵn của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của thị trường xây dựng do quy mô sản xuất nhỏ và chi phí cao.