Trong bối cảnh nhóm hàng vật liệu gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, doanh nghiệp sản xuất đối mặt với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và chịu sự cạnh trạnh không lành mạnh của hàng giả, hàng nhái… thì sự nhập cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước rất quan trọng.
Nhiều hiệp hội nghề nghiệp, ngành hàng vật liệu xây dựng và doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng Thông tư 10 chính là cơ sở pháp lý quan trọng để loại bỏ những cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vật liệu xây dựng và đảm bảo chất lượng công trình xây dựng ngày từ khâu kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lương Đức Long - Tổng Thư ký Hội Xi măng Việt Nam cho biết, ngành xi măng Việt Nam có một lịch sử lâu dài và đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, ngành xi măng gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2023 là "năm đáy" của ngành xi măng Việt Nam. Mặc dù đến tháng 10/2024 đã có phần cải thiện nhưng nhìn tổng thể cả năm 2023 và 2024 đều là hai năm rất khó khăn trong việc tiêu thụ xi măng tại Việt Nam.
Nguyên nhân chủ yếu khiến ngành xi măng gặp khó khăn không phải do vấn đề kỹ thuật hay công nghệ sản xuất, bởi ngành xi măng Việt Nam có trình độ công nghệ khá cao và năng lực sản xuất rất tốt, đứng đầu trong khu vực ASEAN và cả châu Á. Với các yếu tố tác động thì vấn đề quản lý chất lượng hàng hóa cũng là một yếu tố gây khó khăn cho ngành.
Hiện nay, có rất nhiều nhà sản xuất không đủ điều kiện về trang thiết bị và nhân lực nhưng vẫn đưa ra các sản phẩm xi măng không đạt chuẩn, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Điều này gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm rối loạn thị trường và ảnh hưởng đến các nhà sản xuất xi măng uy tín, ảnh hưởng xấu đến ngành.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư về quản lý chất lượng vật liệu xây dựng, trong đó quy định rõ về việc quản lý chất lượng từ khâu sản xuất, lưu thông cho đến việc đưa vật liệu vào công trình xây dựng và xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp xi măng kỳ vọng Thông tư 10 sẽ giúp thị trường xi măng trong nước minh bạch hơn, giảm thiểu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các nhà sản xuất thiếu chuyên nghiệp - ông Trần Đức Long chia sẻ.
Phân tích về những cạnh tranh không lành mạnh của nhóm ngành hàng kính xây dựng, ông Nguyễn Trần Tuấn Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Kính Việt Nam cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp hội viên trong ngành kính gặp phải rất nhiều khó khăn, tồn kho tăng cao, dòng tiền bị đứt gãy và đặc biệt là cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm kính nhập khẩu không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng.
Các sản phẩm này chủ yếu là từ nhiều nhà máy Trung Quốc, được xuất khẩu sang các nước ASEAN như Malaysia, Indonesia và sau đó tràn vào Việt Nam mà không có sự kiểm soát chất lượng. Điều này dẫn đến tình trạng tồn kho cao, giảm công suất sản xuất, thậm chí có những doanh nghiệp không thể chịu đựng được áp lực và phải giảm sản lượng hoặc bán hàng dưới giá thành.
Một số nhà máy còn phải dừng sản xuất, chẳng hạn như nhà máy kính Chu Lai, nhà máy kính Hải Phòng và nhà máy kính Bình Dương, hiện nay chỉ duy trì công suất rất thấp, khoảng 60-70%. Mặc dù đã giảm công suất, nhưng họ vẫn không thể tiêu thụ hết sản phẩm, gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành.
Trong khu vực ASEAN, nhiều nước đã xây dựng những hàng rào kỹ thuật chặt chẽ để kiểm soát chất lượng kính nhập khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có những tiêu chuẩn rõ ràng để kiểm soát chất lượng sản phẩm kính, mặc dù đây là mặt hàng có tính an toàn cao. Nếu không kiểm soát chất lượng chặt chẽ, sản phẩm kính có thể gây ra những sự cố nghiêm trọng, như các vụ kính vỡ trong cơn bão Yagi khiến cả tòa nhà vỡ kính gây nguy hiểm. Mặc dù chưa có phân tích sâu về nguyên nhân cụ thể của những sự cố này nhưng kiểm soát chất lượng kính là cần thiết.
“Do đó, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 10 là một hành động rất kịp thời bởi sẽ giúp tạo ra một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, giúp phân biệt rõ ràng giữa sản phẩm chất lượng và sản phẩm kém chất lượng, từ đó đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành”, ông Nghĩa khẳng định.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, ngành kính nói riêng nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ người tiêu dùng khỏi những sản phẩm không an toàn. Đặc biệt, việc áp dụng Thông tư 10 sẽ là bước tiến quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy ngành kính phát triển bền vững và nâng cao chất lượng công trình xây dựng.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Tống Văn Nga cũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này đánh giá cao các quy định tại Thông tư 10. Theo đó, các doanh nghiệp có năng lực, hệ thống quản lý chất lượng tốt sẽ có ưu thế trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Những doanh nghiệp năng lực, hệ thống quản lý chất lượng chưa tốt sẽ có mục tiêu để cố gắng hoàn thiện hơn nếu muốn tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn. Còn các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng không đạt chất lượng hoặc cố tình đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định sẽ chịu xử lý theo pháp luật.
Đáng chú ý, hành lang pháp lý của Thông tư 10 cũng giúp kiểm soát hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu chặt chẽ hơn, truy suất được nguồn gốc, nhà máy nơi sản xuất vật liệu xây dựng nhập khẩu. Từ đó giúp giảm thiểu hàng hoá vật liệu xây dựng chất lượng kém, bán phá giá thị trường, làm suy yếu tiêu thụ các sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước.
Theo ông Tống Văn Nga, việc này nhiều quốc gia khác trên thế giới đã làm từ lâu, rất kỹ về kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng nhập vào nước họ. Việt Nam cũng cần tăng cường biện pháp này này để đảm bảo chất lượng vật liệu xây dựng cũng như chất lượng các công trình xây dựng ngày càng bền vững hơn, đẹp hơn.