Tham dự hội thảo có lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam; lãnh đạo Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, nông dân trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương cho biết, tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Đối với sản phẩm cà phê, niên vụ 2021 - 2022, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê đạt 394.942 tấn, tăng 49.726 tấn so với niên vụ 2020 - 2021, chiếm tỷ trọng 23% so với cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 819,076 triệu USD.
Nhìn chung, xuất khẩu cà phê chủ yếu là cà phê nhân. Cà phê hòa tan các niên vụ gần đây có số lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng vẫn chiếm tỉ lệ thấp trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các sản phẩm cà phê chế biến khác như cà phê rang, cà phê bột... vẫn chưa xuất khẩu được nhiều. Vì vậy, những nội dung trao đổi tại hội thảo sẽ tạo tiền đề, cơ sở cho việc xây dựng các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực cà phê để có thể tham gia sâu và rộng vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề hiện nay của ngành cà phê nói riêng, nông sản nói chung như: Chuỗi, kết nối chuỗi chế biến cà phê; quy trình sản xuất, vốn và công nghệ; những yêu cầu về phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu và các vấn đề khó khăn khác của ngành cà phê; những điểm cần lưu ý khi xuất khẩu và định hướng giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các chuyên gia sẽ tổng hợp, thống nhất để xây dựng kế hoạch vận hành hệ sinh thái xuất khẩu của ngành cà phê, giúp tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) một cách hiệu quả.
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp cần phải đầu tư vào sản xuất để có sản phẩm ổn định về chất lượng, số lượng và giá cả nhằm giữ vững thị trường xuất khẩu. Chính quyền các cấp, ngành chức năng, doanh nghiệp cần phải có chiến lược phát triển ngành hàng bền vững, minh bạch; quyết liệt hơn trong điều hành sản xuất nông nghiệp để nông sản khẳng định vị trí uy tín, thương hiệu trên trường quốc tế.
Theo ông Ngô Trung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, dư địa để tận dụng các FTA còn rất lớn. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng cà phê dù liên tục ghi nhận tăng trưởng nhưng chưa có thương hiệu, giá trị thu về cho các doanh nghiệp và người lao động còn khá hạn chế.
Một trong những biện pháp đang được Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai là lựa chọn 1 - 2 mặt hàng chủ lực ở từng tỉnh và xây dựng Hệ sinh thái giúp tận dụng các FTA cho các mặt hàng. Mục tiêu là giúp tạo ra sự kết nối giữa những chủ thể có liên quan để phối hợp giải quyết, xử lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương hiệu riêng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn về phát triển bền vững đang ngày càng phổ biến trên thế giới.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh tập trung vào mặt hàng nông sản chủ lực là cà phê. Đây là mặt hàng nông sản đóng góp hàng tỷ USD/năm nhờ xuất khẩu. Nếu việc tạo dựng hệ sinh thái cho ngành cà phê thành công sẽ giúp lan tỏa, triển khai cho các ngành có thế mạnh khác của tỉnh Đắk Lắk.