Tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu

Dù xuất khẩu (XK) năm 2013 đã đạt kết quả ấn tượng nhưng việc thực hiện mục tiêu XK năm 2014 với mức kim ngạch khoảng 145,4 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2013 cũng đặt ra nhiều thách thức. Theo Bộ Công Thương, để duy trì động lực cho tăng trưởng XK trong năm 2014, cần tiếp tục mở rộng thị trường và tập trung nâng cao giá trị cho hàng hóa XK.


Chuyển dịch cơ cấu tích cực


Năm 2013, hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả rất tích cực. Quy mô và tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa đều vượt mức kế hoạch đề ra. Trong đó, kim ngạch XK năm 2013 đạt khoảng 132,17 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012. Tăng trưởng XK năm 2013 đạt được ở hầu hết các mặt hàng chủ lực. Cả nước có 22 nhóm hàng có kim ngạch XK đạt trên 1 tỷ USD.


Sản xuất sản phẩm bàn phím nhựa xuất khẩu tại Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp Kim Lợi Việt Nam trong khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Danh Lam – TTXVN


Bộ Công Thương cho biết, xét về cơ cấu, các mặt hàng XK đã có sự chuyển dịch tích cực. Theo đó, cơ cấu XK của nhóm nhiên liệu nông thủy sản đã từng bước giảm và tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến. Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 19,85 tỷ USD, chiếm 15% trong tổng kim ngạch XK, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2012. Nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 9,6 tỷ USD, chiếm 7,2% trong tổng kim ngạch XK, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2012. Mặc dù nhóm hàng nông, lâm, thủy sản; nhiên liệu và khoáng sản giảm, nhưng giá trị tổng kim ngạch XK cả nước vẫn tăng do được bù từ nhóm hàng công nghiệp chế biến.


Năm 2013, nhóm công nghiệp chế biến ước đạt 93 tỷ USD, chiếm 70,5% trong tổng kim ngạch XK, tăng 25,5% so với năm 2012. Đây là nhóm hàng có tốc độ tăng cao nhất, quy mô XK lớn nhất và là nhóm hàng chủ lực trong cơ cấu hàng hóa XK của Việt Nam, đóng góp vai trò quan trọng, kéo XK cả nước tăng trưởng. Trong số 26 nhóm mặt hàng thuộc nhóm này, chỉ có 2 mặt hàng có kim ngạch XK giảm là phân bón các loại và máy ảnh, máy quay phim và linh kiện. Các mặt hàng còn lại đều có kim ngạch XK tăng. Điển hình những mặt hàng có mức tăng trưởng cao là điện thoại các loại và linh kiện (tăng 69,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 36,2%); hóa chất (tăng 32,4%).


Điểm đáng chú ý trong năm 2013 là xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước bắt đầu khôi phục và có xu hướng tăng dần. Kim ngạch XK của khu vực này ước tăng trưởng ở mức 3,5% (năm 2012 là 1,2%) và kim ngạch nhập khẩu tăng 5,6% (năm 2012 giảm 7%), cho thấy doanh nghiệp trong nước đã có dấu hiệu phục hổi.


Lý giải cho kết quả trên, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp đã bước đầu nắm bắt được các ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do, trong đó vận dụng ưu đãi xuất xứ (CO) trong khu vực ASEAN tăng 56%, mẫu AK (giữa ASEAN với Hàn Quốc) tăng 35%, mẫu AJ (giữa ASEAN và Nhật Bản) tăng 25%, đặc biệt với Ấn Độ tăng 169%.


XK sang thị trường khu vực truyền thống giữ vững. Do khủng hoảng kinh tế, sức mua thị trường thế giới suy giảm, nhưng các thị trường XK truyền thống của Việt Nam như thị trường Đông Nam Á, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ tiếp tục được giữ vững và tăng trưởng. Nhập khẩu năm 2013 tiếp tục phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và XK.


Mở rộng thị trường


Tuy nhiên, đằng sau những thành tích XK của năm 2013, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng tỏ ra lo ngại khi tình hình XK còn tiềm ẩn những yếu tố chưa bền vững. Trước hết, XK đang phụ thuộc quá lớn vào một số nhóm hàng, thậm chí vào một nhà sản xuất như mặt hàng điện thoại di động. Kim ngạch 20 tỷ USD của mặt hàng này phần lớn là nhờ đóng góp lớn của Samsung. Bên cạnh đó, nhóm hàng nông thủy sản và nhiên liệu phụ thuộc nhiều vào thời vụ, thời tiết, đặc biệt là giá bên ngoài. Ví dụ như mặt hàng gạo, cà phê, dù XK đứng thứ 2 trên thế giới nhưng lại bị phụ thuộc vào giá thế giới. Chính sự phụ thuộc này làm ảnh hưởng lớn đến giá XK gạo, cà phê nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung. Đặc biệt, vấn đề nhập siêu triền miên từ Trung Quốc, chủ yếu là mặt hàng nguyên vật liệu như linh kiện điện tử, máy móc thiết bị phụ tùng… cũng là mối nguy đối với mục tiêu phát triển XK ổn định và bền vững.


Với những thực tế như vậy, theo ông Trần Thanh Hải, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, chiến lược XK của Việt Nam trong thời gian tới, đối với hàng công nghiệp chế biến, cần tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao giá trị gia tăng. Đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, cần tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu... để giảm tình trạng xuất thô, nâng cao giá trị gia tăng.


Trong thời gian qua, sản xuất của một số nhóm ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao tập trung ở các ngành có thị trường XK ổn định, tỷ trọng lớn như: dệt may, da giầy và thị trường trong nước tiêu thụ tốt như: sản phẩm thiết bị điện, xe có động cơ... đã góp phần đáng kể vào mức tăng sản xuất công nghiệp và XK năm 2013. Điều này cho thấy công tác phát triển thị trường cả trong và ngoài nước rất quan trọng, đóng vai trò lớn. Do đó, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng XK ít nhất 10% so với năm 2013 thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là công tác thị trường. Ngoài thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, Mỹ thì cần mở rộng thị trường khác có tiềm năng như châu Phi, châu Mỹ Latinh... Hiện nay, Việt Nam đã và đang tích cực đàm phán tham gia hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực, nên cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội giảm thuế, mở cửa thị trường để XK hàng hóa thuận lợi hơn



Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN