Trong năm qua, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đã có những bứt phá mạnh mẽ, giữ vững chỗ đứng tại nhiều thị trường; trong đó có 5 thị trường chiếm tỷ lệ cao nhất là Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản với khoảng 76% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, để giữ vị thế này, ngành tôm cần có thêm nhiều động lực để phát triển.
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng). Ảnh tư liệu: TTXVN
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tại thị trường Trung Quốc, ngay từ tháng 1/2025, khả năng tiêu thụ của tầng lớp trung lưu có sự suy giảm đáng kể. Bà Phùng Thị kim Thu, chuyên gia thị trường tôm chia sẻ, điển hình cho sự biến động tại thị trường Trung Quốc, tôm chân trắng từng là mặt hàng thường xuyên có mặt trên các bàn ăn của tầng lớp trung lưu, được ưa chuộng vì giá cả phải chăng và dinh dưỡng phong phú. Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, tăng trưởng thu nhập của người lao động trung cấp và bình dân giảm, chi phí sinh hoạt tăng, người tiêu dùng ngày càng chú ý đến hiệu quả chi phí và protein thủy sản đang dần chuyển từ "ưa thích" sang "tùy chọn".
Theo bà Thu, trong bối cảnh này, tôm chân trắng là sản phẩm nhạy cảm với giá cả, phải chịu ảnh hưởng của sự suy giảm nhu cầu. Xu hướng giảm tiêu dùng đặc biệt rõ rệt ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Tiêu dùng thực phẩm dần trở lại mức hợp lý, thịt giá cả phải chăng, dễ bảo quản trở thành lựa chọn hàng đầu của hầu hết các gia đình. Ở chiều ngược lại, mức tiêu dùng của người giàu tương đối ổn định và có xu thế tăng mức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản cao cấp như (tôm hùm, cá hồi, cua hoàng đế...).
Bà Phùng Thị Kim Thu phân tích, sự sụt giảm của thị trường tôm chân trắng không phải là hiện tượng đơn lẻ mà là sự phản ánh tình trạng dễ bị tổn thương của thị trường hàng tiêu dùng bình dân trước áp lực kinh tế tại Trung Quốc. Nhưng điều này không quyết định tất cả đối với ngành hàng tôm Việt Nam. Người tiêu dùng cấp cao vẫn có ưu thế lựa chọn những mặt hàng hải sản cao cấp. Chính vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu tôm tiếp tục tăng cường thế mạnh xuất khẩu tôm hùm và đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị, có giải pháp hấp dẫn và kích thích nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng truyền thống như tôm chân trắng và tôm sú tại thị trường Trung Quốc, để tạo nên động lực cho ngành tồn tại ở thị trường lớn nhất châu Á.
Còn tại thị trường Mỹ, con tôm Việt Nam đang giữ thế cạnh tranh thứ hai, sau nhà cung ứng tôm Indonesia, kể từ khi Ấn Độ và Ecuador thu hẹp lượng xuất khẩu tôm sang thị trường này. Đối với sản phẩm tôm còn vỏ, nguồn cung của Việt Nam vào Mỹ tăng nhẹ so với năm trước. Còn sản phẩm tôm bóc vỏ, nguồn cung của Việt Nam tăng 21%, nguồn cung từ Ecuador và Ấn Độ tăng nhẹ (mỗi nước 2%), nguồn cung của Indonesia giảm 15%. Ấn Độ tiếp tục thống trị phân khúc sản phẩm này với thị phần 57%.
Bà Phùng Thị kim Thu nhấn mạnh, các sản phẩm tôm khác của Việt Nam chưa thể vươn lên đứng hàng thứ hai cạnh tranh tại thị trường Mỹ, nhưng cho đến hiện nay sản phẩm tôm tẩm bột của Việt Nam đã tăng 33%, trong khi nguồn cung của Indonesia chỉ tăng 5%. Với thị phần hiện tại là 28%, Việt Nam và Indonesia chiếm 70% thị trường. Nguồn cung sản phẩm này từ Ấn Độ đã tăng gấp đôi nhưng vẫn chỉ chiếm thị phần 4%; Ecuador giảm 20% so với năm trước. Đồng thời, hiện Ấn Độ và Ecuador đang phải đối mặt với những biến động dịch bệnh trên tôm và biến đổi khí hậu, nên tôm Việt Nam giảm bớt được áp lực cạnh tranh tại thị trường Mỹ.
Mặc dù con tôm Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi trong cạnh tranh tại thị trường Mỹ, nhưng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm cũng phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ, có thể bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, khiến doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và kiểm tra.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, người nuôi tôm Việt Nam cần có thêm nhiều động lực về nguồn vốn, con giống chất lượng cao để sản xuất nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Về phía Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiệp hội cũng đề xuất với Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tập trung các hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương và xúc tiến thương mại có mục tiêu tại các thị trường quan trọng như Hàn Quốc, Nhật Bản để khơi thông lợi thế cho xuất khẩu tôm Việt Nam. Cụ thể, thúc đẩy việc đàm phán với Hàn Quốc để bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA nhằm điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam.