Nhiều dư địa phát triển
Hiện nay, việc đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn Bình Phước như: khu đô thị; khu công nghiệp, công trình công cộng, xây dựng các tuyến đường giao thông, xây dựng công trình nhà ở đang phát triển mạnh, nên nhu cầu về vật liệu xây dựng trong giai đoạn tới tiếp tục tăng cao.
Cùng đó, địa phương có nguồn khoáng sản để làm vật liệu xây dựng gồm: Đá xây dựng, cát nghiền từ đá xây dựng, vật liệu đất san lấp, cát xây dựng; khoáng sản (đá vôi, sét, latterit làm nguyên liệu sản xuất xi măng).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh, tỉnh rất gần với thị trường tiêu thụ của các tỉnh bạn thuộc Vương quốc Campuchia và Tây Nguyên. Cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư đến triển khai dự án. Theo quy hoạch, đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Ðông Nam Bộ.
Để đạt mục tiêu này, Bình Phước đang tăng cường xây dựng hệ thống các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 13, 14, ĐT741 kết nối liên vùng Đông Nam Bộ - Tây Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.
Tỉnh đang hoàn thiện thủ tục khởi công các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước); Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước…
Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Bình Phước Nguyễn Minh Chiến cho biết, Bình Phước sẵn sàng đón sóng đầu tư mới bằng việc xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp hiện đại. Trong 15 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Phước có 13 khu công nghiệp với diện tích 4.686 ha đang thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 69%.
Trong đó, khu công nghiệp Becamex – Bình Phước (thị xã Chơn Thành) diện tích 2.450ha và khu công nghiệp Minh Hưng – Sikico (huyện Hớn Quản) diện tích 655ha. Đây là 2 khu công nghiệp mới, quy mô lớn, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Ông Nguyễn Minh Chiến cũng thông tin theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, đến năm 2030, tổng diện tích đất Khu công nghiệp của tỉnh Bình Phước khoảng 18.105ha; trong đó, có khu công nghiệp Đông Nam Đồng Phú với diện tích 4.200ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Dựa trên thế mạnh của địa phương
Bình Phước phấn đấu đến năm 20230, tiếp tục duy trì cải tiến công nghệ các nhà máy sản xuất xi măng hiện hữu, xây dựng các nhà máy xi măng mới phù hợp với kế hoạch của Chính phủ. Tỷ lệ gạch đất sét nung chiếm dưới 60% trong tổng sản lượng vật liệu xây. Phát triển vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung chiếm trên 40% trong tổng sản lượng vật liệu xây. Phát triển các loại ngói nung, ngói không nung, đa dạng các tấm lợp đáp ứng 60% nhu cầu tổng sản lượng vật liệu tấm lợp của tinh.
Tỉnh cũng khai thác cát đảm bảo môi trường, đảm bảo tính bền vững, đúng công suất thiết kế, phát triển cát nghiền thay thế dần cát tự nhiên chiếm trên 40% trong tổng sản lượng cát. Tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển các trạm trộn bê tông thương phẩm để thay thế cho chế tạo bê tông thủ công, phát triển các loại bê tông cường độ cao, bê tông nhẹ đáp ứng xây dựng các công trình trong tỉnh giảm tỷ lệ bê tông trộn thủ công xuống dưới 30% tổng sản lượng bê tông.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh, quan điểm của tỉnh là tập trung phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững dựa trên thể mạnh của tỉnh. Khai thác các mỏ khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng theo quy hoạch; hạn chế tối đa ảnh hưởng môi trường trong khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu.
Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, ông Huỳnh Anh Minh cho biết: Bình Phước từng bước đầu tư phát triển cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng mới trong các khu, cụm công nghiệp tập trung. Di dời các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trưởng ra khỏi khu vực đô thị, khu đông dân cư để đưa vào các khu, cụm công nghiệp tập trung hoặc ra ngoài khu vực thành thị.
Tỉnh hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, nghiên cứu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư mới, đầu tư nâng cấp, chuyển đổi công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng ít năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao tỷ lệ sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tái chế từ phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, giảm lượng phát thải để bảo vệ môi trường. Cùng đó, hạn chế, tiên tới dùng các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường.
Địa phương tập trung vào 95 khu vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Đối với nhu cầu sử dụng đất công trình phụ trợ mỏ, quy mô mỏ thực hiện điều chỉnh để cấp phép theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành; cấp phép khai thác, quản lý khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng phù hợp với nhu cầu địa phương và quy định của pháp luật hiện hành.
Bình Phước còn quy hoạch 3 mỏ khoáng sản bô-xít với quy mô khoảng 76.000ha từ khai thác sang dự trữ theo quy định của pháp luật về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Ông Nguyễn Minh Chiến – Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Bình Phước cũng khẳng định địa phương quy hoạch và đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp đi trước một bước và đảm bảo đồng bộ, sẵn sàng cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm mới, sử dụng phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế, giảm tiêu hao năng lượng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, nghiên cứu phát triển sản xuất các loại vật liệu xây dựng bằng công nghệ hiện đại, phù hợp với xu hướng mới, từ đó làm tăng năng suất thi công, giảm giá thành công trình.
Đối với các nhà đầu tư và các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cần lựa chọn sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng phù hợp với nhu cầu thị trường, có chất lượng cao, giá thành sản phẩm phù hợp để tạo sức cạnh tranh.