Tăng trưởng toàn cầu chậm lại phủ bóng đen lên các nhà sản xuất Mỹ

Trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt lao động gia tăng đang cản trở các ngành công nghiệp trên cả nước, các nhà sản xuất Mỹ càng không khỏi lo lắng những tác động của tranh chấp thương mại quốc tế và một số yếu tố khác sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng của mình.

Chú thích ảnh
Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Long Beach ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo kinh tế định kỳ Beige Book của Ngân hàng Dự  trữ Liên bang Mỹ (FED), công bố ngày 6/3, các nhà sản xuất đã báo cáo tăng trưởng vững chắc trong những tuần gần đây và nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng "đáng nể" bất chấp hoạt động kinh tế chậm lại. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng các chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Donald Trump, vấn đề Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) và một số vấn đề khác đang tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, qua đó ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới. Mỹ đã áp các mức thuế đối với các sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu và hàng hóa trị giá 250 tỷ USD từ Trung Quốc, kéo theo các biện pháp trả đũa nhằm vào các sản phẩm của Mỹ. Trong khi đó, các công ty đang theo đuổi mạnh mẽ chính sách tăng lương để thu hút thêm nhân lực giữa lúc thị trường lao động siết chặt.

Các báo cáo của FED cũng phù hợp với triển vọng mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức  Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra, theo đó hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ và toàn cầu trong năm nay do những tác động tiêu cực các cuộc xung đột thương mại lớn, vấn đề Brexit và một số yếu  tố khác. Trong bài phát biểu ngày 6/3, Chủ tịch FED khu vực New York John Williams cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay -  xuống còn khoảng 2% - là do ảnh hưởng của gói kích thích kinh tế năm ngoái giảm dần. 

Rất nhiều trong số 12 ngân hàng khu vực của FED cho rằng các hoạt động công nghiệp vẫn phát triển bền vững hoặc tăng trưởng, thậm chí chi nhánh FED tại San Francisco dẫn nguồn một nhà máy thép tại Oregon cho biết hoạt động mạnh trong ngành công nghiệp này là do sự cạnh tranh ít hơn của nước ngoài xuất phát từ chính sách thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, trong báo cáo chuẩn bị trước cuộc họp về chính sách tiền tệ diễn ra ngày 19-20/3, FED cho rằng số hợp đồng sản xuất đang cho thấy một sự lo ngại về nhu cầu thế giới suy giảm, chi phí cao hơn do thuế và chính sách thương mại hiện nay bất ổn. 

Trong khi đó, cùng ngày, Chính phủ Mỹ công bố số liệu cho biết sau một năm khó khăn do các mức thuế đánh vào các sản phẩm đậu tương và  thịt lợn của Mỹ, nông dân nước này dự đoán sẽ có mức thu nhập cao trong 2019. 

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thu nhập ròng của nông dân dự đoán sẽ tăng 4,7% trong năm 2019 lên 95,7 USD tỷ sau khi giảm 9,6% trong năm 2018, mà nguyên nhân một phần là do chi phí cao hơn.

Tổng thu nhập của các hộ nông dân nhận được dự đoán tăng 2,3% do được hưởng lợi từ giá bán các sản phẩm như sữa, gia cầm, gia súc, ngũ cốc, hoa quả và các loại hạt cao hơn.

Phương Hoa (TTXVN)
Tổng thống Donald Trump: Kinh tế Mỹ đang ở 'mức tốt hơn bao giờ hết'
Tổng thống Donald Trump: Kinh tế Mỹ đang ở 'mức tốt hơn bao giờ hết'

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/3 đã bày tỏ tự hào về những thành tựu kinh tế đạt được khi ông lãnh đạo nước Mỹ, khẳng định nền kinh tế đầu tàu thế giới hiện đang ở "mức tốt hơn bao giờ hết".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN