Tăng tốc giải ngân đầu tư công - Bài 1: Giải quyết câu chuyện 'có tiền nhưng không tiêu được'!

Được xác định là 1 trong 5 mũi giáp công cho mục tiêu tăng trưởng hình chữ V của năm 2020 trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành một nội dung quan trọng được Chính phủ tập trung chỉ đạo tới toàn hệ thống chính trị cũng như các địa phương, doanh nghiệp.

Nhiều hội nghị của Chính phủ về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được tổ chức, một Nghị quyết của Chính phủ đã được xây dựng ban hành trong thời gian ngắn. Các đoàn công tác do các thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn đã về kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tại các địa phương, yêu cầu báo cáo tiến độ giải ngân trong từng tháng là những giải pháp quyết liệt của Chính phủ với quyết tâm cao hoàn thành kế hoạch đầu tư công trong năm 2020 khoảng 700.000 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Giao dịch tại một chi nhánh Ngân hàng Vietcombank. Ảnh minh họa: TTXVN

Bài 1: Giải quyết câu chuyện "có tiền nhưng không tiêu được"

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng chỉ đạo: "Các đồng chí phải xông vào trận, nếu có vướng mắc thì báo cáo kịp thời, bám ngày, bám đêm để triển khai cho được, không được để ngành nào, địa phương nào không giải ngân hết số vốn". Để thực hiện chỉ đạo này, các bộ, ngành, địa phương đã "xắn tay" vào cuộc với tinh thần bứt tốc.

Nỗ lực cao

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và Nghị quyết chuyên đề về thúc đẩy giải ngân. 

Cụ  thể, ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19.

Theo đó, hàng loạt các giải pháp đã được đưa ra tại Nghị quyết này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đối với lĩnh vực đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bản đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19; các văn bản số 623/TTg-KTTH và 622/TTg-KTTH gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí Bí thư tỉnh thành, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. 

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 3 Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và tăng cường phân cấp cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 cho các dự án; tổ chức thực hiện dự án nhằm hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. 

Nhờ đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11/2020 ước tính đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý 11 nghìn tỷ đồng, tăng 51,3%; vốn địa phương quản lý 43,5 nghìn tỷ đồng, tăng 34%.

Tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 406,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 79,2% và tăng 7%). Cụ thể: Vốn Trung ương quản lý đạt 73,1 nghìn tỷ đồng, bằng 79,5% kế hoạch năm và tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 333,7 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% và tăng 28,7%.

Một số dự án đạt kết quả tốt như: dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng số vốn đã giải ngân đạt trên 77%. 3 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đầu tư công là Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu giải ngân đạt trên 75%. Như vậy, tiến độ thực hiện dự án và giải ngân cơ bản đáp ứng theo đúng kế hoạch đề ra. 

Tính đến thời điểm 31/10/2020, có 13 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%. Tuy nhiên, vẫn còn 18 bộ, cơ quan và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%; trong đó, có 8 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương là Đồng Nai có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. 

Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê, sau gần 11 tháng, giải ngân đầu tư công đạt hơn 75% kế hoạch là một kết quả hết sức ấn tượng vì cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước. "Đây chính là động lực để nền kinh tế bứt phá trong quý IV, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm nay", ông Phạm Đình Thúy nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhìn nhận, mức tăng tốc giải ngân chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương chưa sát với thực tế.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nút thắt lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư là giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công địa thi công. Cùng với đó là chủ đầu tư chậm trễ trong lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng.

Đồng Nai, hiện là địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất hiện nay. Báo cáo của UBND tỉnh này cho biết, hiện tỉnh đang gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Cụ thể là do hình thể thửa đất giữa hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hiện trạng có thay đổi nên diện tích thửa đất sau khi đo đạc tăng hoặc giảm. Một số trường hợp không chỉ được ranh giới đất đang sử dụng nên đơn vị đo đạc chưa đủ cơ sở xuất hồ sơ kỹ thuật thửa đất… Bên cạnh đó, còn nhiều thửa đất không có thông tin tên chủ sử dụng, hoặc có tên nhưng không ghi địa chỉ… 

Thời tiết mưa bão thất thường tại các địa phương miền Trung cũng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông, thủy lợi.

Cùng với đó, việc chuẩn bị dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài không kỹ, tổ chức thực hiện phát sinh vướng mắc, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện… cũng ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, một số dự án vốn nước ngoài giải ngân chậm do cơ chế quản lý, giám sát của nhà tài trợ. Nhà tài trợ can thiệp quá sâu vào quy trình triển khai của Việt Nam dẫn đến việc triển khai phải thực hiện đủ cả 2 quy trình của Việt Nam và của nhà tài trợ, kể cả trong việc kiểm soát chi, giải ngân…

Tăng tốc để về đích 

"Với tốc độ tăng tỷ lệ giải ngân từ tháng 9/2020 đến tháng 10/2020 đã tăng được 10 điểm %, thì khả năng 2 tháng cuối của kế hoạch năm 2020 tốc độ giải ngân sẽ đạt cao hơn và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 90%. Đây là động lực vô cùng quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2020", chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định. 

Để đạt được mục tiêu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước mắt, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.

"Thực tế, chỉ còn hơn 2 tháng để thực hiện và giải ngân (đến 31/1/2021), thời gian còn lại rất ít, điều quan trọng nhất hiện nay là tập trung cao độ thi công, sớm chuẩn bị tốt các hồ sơ, thủ tục để thanh, quyết toán và giải ngân kế hoạch vốn còn lại. Các cơ quan liên quan đến thanh toán cần chuẩn bị sẵn để giải quyết một khối lượng công việc lớn hơn rất nhiều các tháng qua, bảo đảm tiến độ thực hiện các thủ tục nhanh, kịp thời, chính xác, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thanh toán vốn", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Cùng với đó, các bộ, địa phương cần tập trung rà soát kỹ danh mục dự án đầu tư quản lý, nắm bắt tình hình triển khai từng dự án để có biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoặc điều chuyển vốn sang các công trình, dự án khác có khả năng giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn. Từ đó sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch năm 2020 và những năm trước chuyển sang.

Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương cho thấy, muốn đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cần phải có sự quyết tâm cao của đội ngũ lãnh đạo và trách nhiệm của người đứng đầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm chia sẻ. 

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai nhiệm vụ; xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vị phạm quy định, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công.

Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, UBND thành phố đã yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo sát sao trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, không để ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư công. " Các chủ đầu tư không để xảy ra tình trạng chậm trễ, tồn đọng vốn, nợ đọng xây dựng cơ bản, đẩy nhanh nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ thanh toán, quyết toán", bà Ngọc nhấn mạnh. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, thông tin về đầu tư công phải được công khai minh bạch và công bố thường xuyên. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư đối với từng dự án cụ thể. 

Một trong những giải pháp cũng được Thứ trưởng Phương nhấn mạnh đến, đó là tại thời điểm này, các chủ đầu tư nên tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán và đề nghị các cơ quan liên quan đến thanh quyết toán tạo điều kiện tối đa để được thanh toán kịp thời. 

Thứ trưởng Phương cũng lưu ý, từ kinh nghiệm trong giải ngân vốn của năm 2020; năm 2021, sẽ áp dụng Luật Đầu tư công mới, quy luật giải ngân sẽ có nhiều thay đổi.

Theo quy định, nếu bộ, ngành, địa phương nào không giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm thì sẽ bị hủy dự toán, giảm kế hoạch vốn, kéo theo tổng kế hoạch trung hạn 5 năm bị giảm. Do đó, cần chú ý đến xây dựng kế hoạch; theo đó, các địa phương hết sức lưu ý, phải tính toán cẩn thận, lập kế hoạch phải có tính khả thi; nghĩa là số vốn đăng ký kế hoạch phải giải ngân được.

Với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ đã đề ra và nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương như hiện nay, Thứ trưởng Trần Quốc Phương hy vọng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay sẽ cao. Câu chuyện "có tiền nhưng không tiêu được" sẽ dần được khắc phục trong giai đoạn tới, quyền chủ động của các bộ, ngành, địa phương sẽ lớn hơn nhưng đi kèm với trách nhiệm sẽ nhiều hơn.

Bài 2: Động lực từ một Nghị quyết

Thúy Hiền (TTXVN)
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công - Bài cuối: Tạo đà cho phát triển kinh tế
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công - Bài cuối: Tạo đà cho phát triển kinh tế

Tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của năm 2020 đã có nhiều điểm sáng khi nhiều bộ ngành đã hoàn thành kế hoạch của năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số nguyên nhân khách quan và chủ quan vướng mắc khiến cho giải ngân chưa đạt được như kế hoạch đã đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN