Từ sáng sớm, tại cảng cá Đông Hải (phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) đã nhộn nhịp cảnh ngư dân khẩn trương đưa tàu cá cập cảng để vận chuyển hải sản khai thác được lên bờ bán cho thương lái.
Ngư dân Nguyễn Văn Đượm ở phường Mỹ Đông, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cho hay, tàu của gia đình khai thác gần 5 tấn chủ yếu là cá ngừ chù cho doanh thu khoảng 350 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí…, anh em bạn thuyền chia mỗi người khoảng 15 triệu đồng. Sau khi bán xong, tàu tiếp tục ra khơi hy vọng khai thác được các loại hải sản có giá trị kinh tế cao hơn phục vụ cho thị trường Tết.
Trong khi đó, tại các cảng cá Mỹ Tân, Ninh Chữ, chợ hải sản ven bờ Đầm Nại, huyện Ninh Hải, hàng chục tàu thuyền của ngư dân cũng tấp nập nối đuôi nhau vào neo đậu bán hải sản. Không khí lao động hăng say, phấn khởi, nụ cười rạng rỡ trên từng gương mặt của ngư dân.
Anh Nguyễn Văn Đức ở thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải cho biết, chuyến biển này tàu của gia đình đánh bắt được khoảng 3 tấn cá hố cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng. “Thời điểm gần Tết Nguyên đán, cá bán được giá cao hơn so với các tháng khác nên chúng tôi tranh thủ ra khơi đến khoảng 29 Âm lịch mới nghỉ Tết”, anh Đức nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các loại hải sản hiện có giá khá cao; trong đó cá ngân được thương lái thu mua với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg, cá ngừ chù từ 65.000 - 80.000 đồng/kg, cá dìa 80.000 - 100.000 đồng/kg, cá chim trắng từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, cá nhái 90.000 - 100.000 đồng/kg, mực lá 330.000 - 350.000 đồng/kg, tôm từ 180.000 - 300.000 đồng/kg tuỳ loại.
Chị Trần Thị Lan, một thương lái thu mua cá tại khu vực cảng Ninh Chữ cho hay, do nhu cầu tiêu thụ hải sản trong những ngày cận Tết Nguyên đán tăng cao nên những ngày qua chị đã thu mua hàng tấn cá các loại chở đi bán ở các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh niềm vui của các chủ tàu, lực lượng lao động làm nghề vận chuyển cũng phấn khởi không kém bởi nhờ việc vận chuyển, phân loại cá, mỗi người có mức thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Hiện nay, tại các cảng cá như Đông Hải, Mỹ Tân, Ninh Chữ các cơ sở cung cấp đá lạnh, xăng dầu, lương thực, thực phẩm... đang hoạt động hết công suất để phục vụ ngư dân vươn khơi khai thác hải sản.
Tại tỉnh Ninh Thuận hiện 100% tàu hoạt động vùng khơi đã được cấp giấy phép khai thác hải sản; tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 99,7% (trong đó 100% tàu cá từ 24 mét trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình); tỷ lệ tàu cá được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đạt 99,6%; hoàn thành 100% việc cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận thông tin, năm 2024 tỉnh đặt chỉ tiêu khai thác 127.150 tấn hải sản các loại. Để đạt kế hoạch đề ra, tỉnh tiếp tục khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán, nâng cao công suất tàu cá và đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại; nhân rộng mô hình tổ, đội ngư dân đoàn kết khai thác trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác.
Đồng thời, ngành nông nghiệp phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) gắn với dự báo thông tin ngư trường để ngư dân được biết và sớm có kế hoạch di chuyển tàu cá khai thác hợp lý, hiệu quả. Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật của Nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với từng địa bàn vùng biển.