Từ 4 giờ sáng, cơ sở sản xuất bánh đa nem của gia đình chị Lê Thị Dung ở thôn Bình (xã Thạch Hưng) đã bắt đầu sáng đèn. Tiếng máy tráng bánh và tiếng công nhân ầm ầm báo hiệu một ngày sản xuất mới lại bắt đầu. Hiện cơ sở của chị có gần 10 công nhân thời vụ đang làm việc để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong dịp cuối năm.
Theo chị Lê Thị Dung, để có những tấm bánh đa nem đảm bảo chất lượng thì việc lựa chọn loại gạo rất quan trọng. Do nguyên liệu của bánh đa nem 100% là gạo nên phải chọn loại sạch, ngon để dành riêng làm bánh. Việc chọn gạo sẽ quyết định những tấm bánh đa nem thành phẩm khi đến tay người tiêu dùng sử dụng để cuộn thì có độ dai và khi chiên lên có màu vàng đẹp mắt.
"Vào dịp bình thường, mỗi ngày cơ sở của tôi sản xuất mỗi ngày khoảng 3 tạ gạo. Riêng trong khoảng 1 tháng trước Tết nguyên đán thì lượng gạo tăng lên từ 5 đến 6 tạ. Dịp Tết này, mỗi ngày cơ sở cũng tăng cường sản xuất thành hai ca sáng và trưa. Trung bình, một ngày cơ sở sản xuất ra gần 90 nghìn bánh đa nem", chị Lê Thị Dung cho hay.
Đến xã Thạch Hưng những ngày này có thể dễ dàng nhận thấy màu trắng của những giàn phơi bánh đa nem phủ kín khắp những sân phơi. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà con ở đây đã đẩy mạnh việc sản xuất để bù lại những ngày thời tiết mưa gió, không thuận lợi. Bởi bánh đa nem sau khi tráng xong cần được phơi nắng, phơi sương. Đây được xem là yếu tố góp phần làm nên nét đặc trưng của sản phẩm bánh đa nem ở đây, đó là vừa dai khi cuốn và giòn khi rán nem.
Có thâm niên làm nghề bánh đa nem này hơn 10 năm rồi, bà Trần Thị Thanh ở thôn Bình cho biết, bánh đa nem sau khi tráng xong cần phải mang đi phơi nắng ngay để bánh được khô. Tuy nhiên, thời gian phơi cũng tùy thuộc vào nhiệt độ ngoài trời, nếu trởi nắng nóng thì thời gian phơi sẽ rút ngắn để đảm bảo bánh không bị giòn, vỡ.
"Dịp Tết này gia đình tôi phải thuê thêm công nhân và huy động cả người nhà để làm mới kịp giao hàng cho khách. Thời điểm này không lo đầu ra, hàng làm ra đến đâu thì bán hết đến đó. Trung bình một ngày gia đình bà làm được khoảng 200 tập bánh đa nem, mức giá bán ra dao động từ 16.000 đến 18.000 đồng/tập", bà Thanh nói.
Thôn Bình, xã Thạch Hưng hiện có gần 90 hộ sản xuất bánh đa nem, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động. Doanh thu của làng nghề này đạt hơn 30 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Văn Vũ, Trưởng thôn Bình (xã Thạch Hưng) thông tin, trước đây các hộ sản xuất thực hiện tráng bánh theo phương pháp thủ công, làm bằng tay nên năng suất thấp. Nhưng gần đây, bà con đã chuyển sang tráng bánh bằng máy, nhờ đó năng suất tăng lên, bánh cũng đều hơn. Hiện trong thôn có gần 30 máy tráng bánh. Nghề làm bánh đa nem mang lại thu nhập tương đối ổn định nên hiện thôn có gần 85% hộ dân tham gia sản xuất. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của người dân trong thôn.
Làng nghề bánh đa nem ở thôn Bình có truyền thống sản xuất lâu đời, đến nay vẫn được người dân giữ gìn, phát huy. Năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định công nhận và ban hành phương án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống bánh đa nem thôn Bình xã Thạch Hưng.
Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng Trương Thế Kỷ cho biết, những năm qua nghề sản xuất bánh đa nem đã tạo công ăn việc làm và mang lại thu nhập tương đối cao cho lao động địa phương. Trong thời gian tới, thực hiện phương án bảo tồn, phát triển làng nghề đã được tỉnh Hà Tĩnh công nhận xã Thạch Hưng sẽ tổ chức, sắp xếp lại sản xuất ngành nghề sản xuất bánh đa nem, làng nghề truyền thống theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu, sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để tạo ra sản phẩm, ngành hàng có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Đặc biệt, xã chú trọng xây dựng quy trình sản xuất kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương. Ngoài ra, phát triển làng nghề bánh đa nem Thạch Hưng gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế đô thị.