Thu hoạch hồ tiêu ở huyện Châu Đức.
|
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài địa phương đầu tiên là huyện Châu Đức, còn có thêm huyện Xuyên Mộc cũng đã triển khai dự án này, góp phần nâng diện tích hồ tiêu đã được chứng nhận sản xuất theo hướng bền vững của tỉnh lên hơn 529 ha trong số 732 ha tiêu của toàn tỉnh.
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức, hiện trên địa bàn huyện có 3 đơn vị gồm Công ty TNHH Olam Việt Nam, Công ty TNHH Gia vị Việt Nam, Công ty Harris Freeman Việt Nam triển khai dự án trên diện tích khoảng 500 ha hồ tiêu của gần 480 hộ tại các xã Bàu Chinh, Kim Long, Quảng Thành, Bình Giã.
Khi tham gia dự án, người trồng tiêu được hỗ trợ về đào tạo tập huấn kỹ thuật canh tác tiêu bền vững, bộ nguyên tắc đạt chuẩn an toàn môi trường, được hướng dẫn cách thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu…
Khi sản phẩm hồ tiêu đạt chuẩn sẽ được phía các công ty thu mua ngay tại nhà với giá cao hơn giá thị trường 1 triệu đồng/tấn. Điều đặc biệt, khi tham gia dự án, các hộ trồng tiêu sẽ được cấp các giấy chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như Rainforest Alliance (RA), GlobalGAP; Susainable Arriculture Network (SAN). Các tiêu chuẩn chứng nhận này được xem là giấy “thông hành” để hồ tiêu BR-VT xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.
Gia đình ông Văn Viết Ánh ở ấp Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức tham gia dự án với gần 1ha diện tích trồng tiêu. Mỗi năm ông Ánh thu hoạch từ 5-6 tấn tiêu, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về từ vườn tiêu cho gia đình ông trên 400 triệu đồng.
Theo ông Ánh, việc tham gia dự án Xây dựng chuỗi cung ứng tiêu bền vững đã giúp bản thân ông cũng như các hộ trồng tiêu trong ấp thay đổi tập quán trồng và chăm sóc tiêu, đó là môi trường sạch sẽ và tự biết cách bảo vệ sức khỏe.
Ông Đặng Văn Là, nông dân trồng tiêu ở thôn Tân Hưng, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, là hộ trồng tiêu đang tham gia dự án phát triển hồ tiêu bền vững của Công ty TNHH Harris Freeman cho rằng, việc tham gia dự án đã giúp ông thay đổi tập quán trồng tiêu truyền thống.
Theo ông Là, điều có lợi trước mắt là sức khỏe người trồng tiêu cũng được an toàn, đảm bảo hơn. Qua đó, chất lượng tiêu được nâng lên nhờ áp dụng đúng kỹ thuật đã được hướng dẫn theo bộ tiêu chuẩn mà dự án áp dụng.
Ông Là cũng chia sẻ thêm, từ khi tham gia dự án, được phía công ty tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây hồ tiêu, vườn tiêu nhà ông không còn xảy ra dịch bệnh chết nhanh nữa, vườn tiêu được chăm sóc đúng cách xanh tốt trở lại. Nếu như năm ngoái vườn tiêu 1,2 ha của gia đình ông thu hoạch được 2 tấn, thì năm nay dự kiến năng suất sẽ đạt trên 3 tấn.
Còn tại huyện Xuyên Mộc, dự án này đã được Công ty TNHH Gia vị xuất nhập khẩu Vinaharris triển khai, đến nay đã hình thành được 12 nhóm nông hộ tham gia dự án với 255 hộ nông dân, diện tích tham gia dự án là hơn 232 ha.
Khi tham gia dự án nông dân và cán bộ được phía công ty tập huấn, hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn SAN, hỗ trợ phát tủ thuốc y tế, đồ bảo hộ lao động…
Hiện nay, dự án đã hoàn tất đánh giá chứng nhận dự kiến và trong đầu tháng 6 sẽ trao giấy chứng nhận SAN cho 170 hộ với diện tích hơn 165 ha. Công ty cũng đang thực hiện thu mua tiêu cho các hộ dân tham gia dự án.
Theo bà Trần Thị Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, những năm qua giá hồ tiêu luôn ở mức cao, vì vậy tiêu trở nên hấp dẫn so với các loại cây trồng khác, diện tích hồ tiêu phát triển “nhanh chóng”, vượt quy hoạch phát triển hồ tiêu đến năm 2020 của tỉnh. Tuy nhiên, việc sản xuất theo hướng bền vững vẫn chưa được người dân quan tâm nên ảnh hưởng đến giá trị hồ tiêu.