Cùng với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam đang ngày càng tăng nhanh, hệ thống các đô thị đã có sự phát triển nhanh cả về quy mô lẫn số lượng. Các đô thị trên cả nước đang đóng vai trò quan trọng đối với tiến trình phát triển kinh tế, góp phần đáng kể vào GDP toàn quốc. Sự tăng nhanh về số lượng đô thị, quy mô đất đai và dân số cùng với những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai tới đô thị đang đặt ra các yêu cầu mới đối với quy hoạch, quản lý phát triển đô thị.
Dự án Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nhằm cải tiến, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; tạo nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin đô thị; xây dựng hạ tầng thông tin và tăng cường năng lực trong bối cảnh Việt Nam cần quản lý thông tin đô thị dựa trên chuẩn hóa hệ thống nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin; cần giải quyết các vấn đề về đô thị hóa thông qua ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển đô thị bền vững; thiếu năng lực vận hành, quản lý hệ thống và hạ tầng công nghệ thông tin về đô thị. Dự án được thực hiện thí điểm tại 3 thành phố gồm Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) và Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) trong thời gian 48 tháng.
Tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, tại Việt Nam, tác động của biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng chủ yếu như ngập lụt, xói lở, xâm nhập mặn, biến đổi nhiệt độ bất thường. Do đó, quy hoạch đô thị cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua sử dụng đất, tổ chức không gian và hệ thống hạ tầng đô thị phù hợp.
Để xây dựng giải pháp phù hợp và khả thi thì cần có hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng đô thị, tác động thực tế của biến đổi khí hậu, quy hoạch đô thị đang thực hiện và kịch bản biến đổi khí hậu dự báo. Các nhóm thông tin dữ liệu về quy hoạch khi được xây dựng đồng bộ trong một hệ thống sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích để hoạch định chính sách phù hợp, quản lý phát triển đô thị hiệu quả, tránh được các rủi ro trong đầu tư, phát triển đô thị - Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống thông tin quy hoạch cũng tăng cường minh bạch trong thực hiện theo quy hoạch được duyệt, hỗ trợ tích cực việc công khai quy hoạch để người dân cùng thực hiện, giám sát; cung cấp thông tin quy hoạch để các chủ thể tham gia phát triển đô thị thực hiện hiệu quả; tăng cường phân cấp trong quản lý phát triển đô thị được triệt để hơn. Do đó, trong những năm tới, việc xây dựng hệ thống thông tin quy hoạch là một trong các nhiệm vụ ưu tiên của ngành xây dựng.
Từ giai đoạn 2015 - 2018, Bộ Xây dựng đã triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật quy hoạch đô thị xanh Việt Nam (GDSS) do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại. Trong quá trình triển khai dự án, việc chuẩn hóa dữ liệu và thông tin quy hoạch cũng là một trong những khó khăn cần khắc phục để hướng tới ứng dụng rộng rãi kết quả của dự án. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Dự án UPIS cũng là tiền đề hướng tới hoàn thiện, phát triển hệ thống GDSS trên toàn quốc.
Sau thời gian dài chuẩn bị, với sự tham gia tích cực của các cơ quan Việt Nam và Hàn Quốc, Biên bản Thảo luận Dự án Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua xây dựng hệ thống thông tin quản lý quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam (UPIS) đã được ký kết; Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã phê duyệt Văn kiện dự án tại Quyết định số 942/QĐ-BXD ngày 18/8/2021. Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh Thái Nguyên, Kiên Giang, Bình Định đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý Dự án để thực hiện.
Dự án được triển khai sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu tại Đề án phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025. Các đô thị được lựa chọn là địa bàn nghiên cứu thí điểm về xây dựng hệ thống thông tin quy hoạch, phát triển đô thị nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là những điển hình để hướng tới nhân rộng kết quả Dự án trên toàn quốc.
Với sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan tham gia thực hiện dự án và kinh nghiệm của các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam, dự án được kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu và kết quả đề ra.