Tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn lãi suất 2% cho doanh nghiệp

Sau gần 3 tháng kể từ khi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh triển khai, nhiều doanh nghiệp phản ánh, dù "khát" vốn nhưng họ rất khó khăn tiếp cận nguồn vốn lãi suất 2%.

Chú thích ảnh
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH May mặc Hồng Quang, xã Hồng Quang, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, quá trình phục hồi nền kinh tế trong nước mới chỉ bắt đầu trong khi mọi nhu cầu về tiêu thụ hàng hóa trên toàn cầu lại đang yếu đi, rủi ro lạm phát gia tăng. Đặc biệt, khó khăn về nguồn vốn, rủi ro trong khu vực tài chính càng hiện hữu cao và là thách thức với doanh nghiệp. 

Tính đến thời điểm này, gói hỗ trợ lãi suất 2% dù đặt mục tiêu 800.000 tỷ đồng nhưng mới giải ngân chưa tới 1%. Số tiền lãi được cấp bù mới đạt hơn 1 tỷ đồng. Việc tiếp cận gói cấp bù lãi suất 2% vẫn còn nhiều khó khăn vì ngân hàng vừa thiếu hạn mức và siết chặt các thủ tục, việc kiểm soát vốn chặt vào các phân khúc rủi ro của thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp trên thị trường và các ngành liên quan cũng gặp khó.

Trước vấn đề này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xác nhận chỉ khoảng 1% doanh nghiệp vay được gói hỗ trợ lãi suất 2% và chỉ các doanh nghiệp vừa và lớn mới vay được gói hỗ trợ này. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải rời bỏ thị trường thời gian qua do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung lại đa số là do các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều thiếu các điều kiện đảm bảo, phương án kinh doanh thiếu khả thi sau đại dịch... nên khó tiếp cận tín dụng cũng là dễ hiểu. Bởi lẽ, các tổ chức tín dụng cũng cần phải đảm bảo kinh doanh để không mất vốn Nhà nước và vốn của ngân hàng.  

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, gói hỗ trợ lãi suất này khác với gói hỗ trợ năm 2009 ở chỗ: nguồn vốn rõ ràng (từ ngân sách), đối tượng hỗ trợ (là 13 lĩnh vực), thời hạn cụ thể (tối đa 2 năm). Ngoài ra, đối tượng thụ hưởng phải đáp ứng cơ bản các điều kiện của tổ chức tín dụng và có khả năng phục hồi. 

Tuy nhiên, để đánh giá khả năng phục hồi lại của doanh  nghiệp là khó. Vai trò thẩm định đánh giá của chuyên viên tín dụng là rất quan trọng cùng với sự phối hợp của các bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Vì vậy, rất cần thúc đẩy Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Tại các địa phương, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp đều có nhưng hoạt động vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo lãnh giúp các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên quan tâm mảng cho thuê tài chính bởi cho thuê tài chính không cần tài sản thế chấp. Hiện, Việt Nam đã có 11 công ty cho thuê tài chính và Nhà nước nên xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa trải nghiệm dịch vụ cho thuê tài chính. 

Song song đó, cũng rất cần sự nỗ lực và thiện chí của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng, vì nếu tổ chức tín dụng muốn hỗ trợ, cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và nếu doanh nghiệp thiếu tính thiện chí, trung thực, không chú trọng xây dựng phương án kinh doanh..., thì cũng sẽ khó tiếp cận được tín dụng. 

Đại diện tiếng nói doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho hay, tiếp cận tín dụng ngân hàng đối với các doanh nghiệp bất động sản hiện đang rất khó khăn. Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội lại có nội dung hạn chế Ngân hàng Chính sách xã hội cho chủ đầu tư vay vốn để thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Trong khi đó, doanh nghiệp đi vay tại một số ngân hàng khác lại phải áp dụng lãi suất thấp nhất 9%/năm do bất động sản không nằm trong các lĩnh vực được ưu tiên vay với lãi suất thấp. Hay Chỉ thị 03/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định không hạ chuẩn cho vay và không nới lỏng điều kiện vay. Do đó, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều không đáp ứng được điều kiện, đồng nghĩa với việc không tiếp cận được tín dụng ngân hàng.

Ông Châu cho biết, từ thực tế trên, với gói 40.000 tỷ đồng; trong đó có gói 15.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, đến nay không có sản phẩm để giải ngân. Tuy nhiên các chủ nhà trọ là những đối tương đang cần hỗ trợ. Hoặc với người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại 9%/năm nhưng nếu không tiếp cận được nguồn vốn, sẽ trở thành gánh nặng.

Vì thế, ông Châu đề nghị phần tiền còn lại để hỗ trợ cho những đối tượng đã vay với lãi suất thương mại. Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”, ông Châu bày tỏ mong muốn các ngân hàng thương mại cùng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và ngược lại khuyến nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cần chú trọng làm ăn kinh doanh có trách nhiệm, đảm bảo uy tín thương hiệu.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, sáng 26/8, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước

Ngân hàng Nhà nước nhận định, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, tâm lý của các ngân hàng thương mại và khách hàng khi tham gia chương trình đều rất thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả.

Về phía các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đều cam kết giải ngân tối đa gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng; tiếp tục truyền thông giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về chính sách và nâng cao khả năng tiếp cận chương trình hỗ trợ theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP với mục tiêu tiếp sức cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong quá trình phục hồi và phát triển.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
Tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%
Tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%

Qua 3 tháng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất ước đạt trên 4.400 tỷ đồng. Khó khăn trong triển khai giải ngân tiếp tục được ngành ngân hàng và bộ ngành chung tay tháo gỡ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN