Tuy nhiên, tính đến 16 giờ ngày 14/1 (trước khi lấy nước đợt 2), diện tích có nước toàn khu vực là 169.865/506.558 ha (đạt 33,53%), tăng 17,2% so với khi kết thúc đợt 1.
Có được kết quả này là do trong thời gian giữa đợt 1 và đợt 2 lấy nước, các địa phương tiếp tục vận hành công trình thủy lợi để đưa nước lên ruộng từ nguồn đã được trữ trong hệ thống thủy lợi từ đợt 1.
Cụ thể, Phú Thọ đạt 55,46%; Vĩnh Phúc 50,71%, Bắc Ninh 12,9%, Hà Nội 9,2%, Hà Nam 42,59%, Hưng Yên 12,47%, Hải Dương 10%, Hải Phòng 36,72%, Thái Bình 29,23%, Nam Định 66,9%, Ninh Bình 50,15%.
Một số địa phương có diện tích lấy nước thấp sau khi kết thúc đợt 1 đã tăng đáng kể như: Hà Nội tăng 8%, Bắc Ninh tăng 11%, Hà Nam tăng 35%, Hưng Yên tăng 12%...
Để chuẩn bị cho lấy nước đợt 2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện xả gia tăng các hồ thủy điện từ 12 giờ ngày 12/1 (trước 2,5 ngày). Tính đến 16 giờ ngày 14/1, mực nước trung bình ngày tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt 1,48 m, cao nhất lúc 10 giờ đạt 1,74 m.
Sẵn sàng cho lấy nước vụ Đông Xuân 2021 - 2022, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) đã cấp phát vật tư, tu sửa, bảo dưỡng đảm bảo 100% công trình, máy móc, thiết bị hoạt động tốt. Đặc biệt, xí nghiệp đã vớt bèo, rác thải… để khơi thông dòng chảy; duy tu bảo dưỡng các kênh xây, vệ sinh dọn cỏ kênh đất.
Ông Nguyễn Như Ý, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thị xã Mỹ Hào cho biết, năm nào đơn vị cũng phải chi trên 100 triệu đồng chỉ để thực hiện vệ sinh kênh mương do rác thải. Ngày càng phổ biến tình trạng người dân vứt rác thải sinh hoạt ra các công trình thủy lợi, gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các trạm bơm.
Do xí nghiệp không có thẩm quyền xử phạt việc vứt rác thải nên đề nghị chính quyền các địa phương vào cuộc giám sát mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng này nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường cũng như chi phí vệ sinh kênh mương, ông Nguyễn Như Ý kiến nghị.
Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thị xã Mỹ Hào quản lý 75 trạm bơm; trong đó, có 53 trạm bơm dã chiến và các hệ thống công trình thủy lợi với gần 600 km kênh tưới tiêu các cấp. Vụ Đông Xuân này, xí nghiệp phải đảm bảo đủ nước cho trên 6.160 ha trên địa bàn thị xã và một phần diện tích của hai huyện Văn Lâm, Yên Mỹ.
Do đó, từ ngày 31/12/2021, đơn vị đã bắt đầu dẫn nước đổ ải. Đối với các trạm bơm không ống cột nước thấp như: trạm bơm T3 Phan Đình Phùng, Hòa Đam 3, Phú Hữu 2 sẽ phục vụ diện tích lớn, tuyến kênh dài. Các trạm bơm khác sẽ điều hành linh hoạt theo nguồn nước thực tế.
Kết thúc đợt 1, xí nghiệp đảm bảo trên 5% diện tích gieo cấy có nước. Hiện các trạm bơm của xí nghiệp đã sẵn sàng cả về nhân lực và phương tiện để ngay trong đêm nay tiếp tục lấy nước đợt 2. Với phương châm bơm đồng cao, đồng xa trước, đặc biệt làm tốt việc canh giữ nước, tuyệt đối không được để nước chảy ra ngoài sông, xí nghiệp phấn đấu cơ bản hoàn thành lấy nước trong đợt 2, ông Nguyễn Như Ý cho hay.
Để đợt 2 lấy nước hiệu quả, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác vận hành tối đa các phương tiện lấy nước nhằm đưa nước lên ruộng. Các địa phương phấn đấu cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước trong đợt 2, tích trữ vào hệ thống kênh mương, các vùng trũng, ao, hồ.
Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan vận hành tối đa công suất phát điện các nhà máy thủy điện để tăng cường nguồn nước về hạ du, nâng mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội đạt trung bình khoảng 1,9 m, tạo điều kiện nâng cao hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi. Đồng thời, cung cấp nguồn điện đảm bảo để các địa phương có đủ điện vận hành các công trình trong suốt thời gian lấy nước.
Vừa qua, các công trình thủy lợi ở thượng nguồn thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội đã được các địa phương tổ chức vận hành lấy nước. Tuy nhiên, do mực nước thấp, một số trạm bơm chưa được cải tạo nên chưa thể lấy được nước; trong đó, tại trạm bơm Trung Hà (Hà Nội), mực nước bị hạ thấp nghiêm trọng, thấp hơn cùng kỳ các năm trước khoảng 1,5 m.
Do vậy, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức xây dựng phương án bảo đảm nguồn nước thay thế cho nguồn nước cấp từ trạm bơm Trung Hà.
Theo kế hoạch, đợt 2 lấy nước sẽ kết thúc vào 24 giờ ngày 22/1.