Những tháng cuối năm 2023, Ga liên vận quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) liên tục đón những chuyến tàu hàng liên vận qua lại giữa đường sắt hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Riêng tháng 11/2023, thông qua cửa khẩu đường sắt này đã có 292 toa xe, với 8.323 tấn hàng xuất từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc sang nước thứ ba, chủ yếu là hàng thực phẩm, đồ gỗ, hàng điện tử, điện lạnh, gia dụng... Chiều hàng nhập cũng có 378 toa xe, với hơn 12.900 tấn hàng hóa các loại.
Tương tự, tại cửa khẩu đường sắt Ga liên vận quốc tế Lào Cai, các đoàn tàu liên vận vận chuyển khứ hồi hàng hóa cũng sôi động, chủ yếu vận chuyển quặng sắt, linh kiện điện tử, phân bón, sắt thép, than cốc...
Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), kết quả này đến từ sự hợp tác chặt chẽ giữa đường sắt hai nước trong nhiều năm qua nhằm thúc đẩy vận tải liên vận quốc tế. Hai nước đã ký Hiệp định đường sắt biên giới năm 1992, chính thức thông xe qua hai cặp cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường khổ 1.435mm và Lào Cai - Hà Khẩu khổ 1.000mm vào ngày 14/2/1996.
Từ đó, định kỳ hàng năm, đường sắt hai nước tổ chức Hội nghị đường sắt biên giới Việt - Trung, nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh, tìm các biện pháp tích cực thúc đẩy công tác vận tải liên vận quốc tế giữa hai nước, quá cảnh tới các nước thứ ba.
Bên cạnh đó, đường sắt hai nước đã thống nhất thúc đẩy kết nối hiệu quả giữa liên vận đường sắt Việt - Trung, với các đoàn tàu chuyên tuyến từ Trung Quốc đi châu Âu, xúc tiến phát triển chuyên chở hàng hóa giữa đường sắt hai nước với đường sắt Á - Âu. VNR cũng đã tích cực phối hợp cùng với Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc (CR) triển khai các giải pháp nâng cao khối lượng vận tải hàng hóa liên vận quốc tế. Riêng năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn vì tình hình kinh tế chung, dự kiến khối lượng vẫn đạt hơn 600.000 tấn.
Thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), đường sắt hai bên sẽ tiếp tục triển khai đàm phán, ký kết Hiệp định Đường sắt biên giới Việt - Trung thay thế cho Hiệp định đường sắt biên giới ký năm 1992, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, thúc đẩy giao thương kinh tế giữa hai nước trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi để nâng cao hiệu quả vận tải đường sắt liên vận quốc tế.
Sau khi nghiên cứu, phía Việt Nam đã thông báo với phía bạn về phương án kết nối của phía Việt Nam cũng trùng với phương án đề xuất của phía Trung Quốc. Tới đây, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán phương án nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc; đồng thời, thống nhất thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp.