Đường sắt đề xuất các giải pháp tăng vận tải tàu liên vận lên gấp 3 lần hiện nay

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), để nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế, ngành Đường sắt đề xuất các cơ quan hữu quan đầu tư đồng bộ về hạ tầng, phương tiện vận chuyển, ga bốc xếp, quản trị và cơ chế chính sách.

Cụ thể, ngoài các ga liên vận quốc tế như Đồng Đăng, Lào Cai, cần đầu tư nâng cấp các ga để phát huy hiệu quả toàn mạng lưới như ga Vật Cách (thay thế ga Hải Phòng), Kép (Bắc Giang), Kim Liên (Đà Nẵng), Diêu Trì (Quy Nhơn), Sóng Thần (Bình Dương)... Kế hoạch đầu tư tập trung vào làm đường ga, bãi hàng container, mở rộng bãi hàng, nâng cấp kho... Về lâu dài, cần đóng mới 500 toa xe khổ đường 1.000 mm và 500 toa xe khổ đường 1.435 mm đủ tiêu chuẩn tham gia vận tải liên vận quốc tế; đầu tư 200 - 700 vỏ container, cẩu chuyên dụng và xe nâng bố trí tại các ga liên vận quốc tế và ga xếp dỡ hàng.

Chú thích ảnh
Đường sắt đề xuất các giải pháp tăng vận tải tàu liên vận lên gấp 3 lần hiện nay. Ảnh: VNR.

Trước mắt, VNR đề xuất bổ sung các ga Kép (Bắc Giang), Vật Cách (Hải Phòng), Trảng Bom (Đồng Nai) là ga liên vận quốc tế để hỗ trợ cho ga Đồng Đăng và Yên Viên để khai thác hàng xuất nhập khẩu từ phía Nam ra.

VNR cũng đề xuất Chính phủ cho phép bổ sung phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ giao thông đường sắt như đầu máy, toa xe, cẩu cứu viện… vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục các dự án tín dụng đầu tư hoặc có cơ chế ưu đãi riêng cho các sản phẩm cơ khí đường sắt, trong bối cảnh khó khăn về vốn hiện nay.

Ngoài ra, VNR kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách, định hướng các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa chính ngạch để vận tải bằng đường sắt; đồng thời, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tạo điều kiện thuận lợi hơn trong làm các thủ tục hải quan, như chấp thuận khai báo điện tử và bản scan thay cho bản chính đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu vận tải bằng đường sắt...

Đường sắt Việt Nam hiện kết nối với hệ thống đường sắt quốc tế thông qua đường sắt Trung Quốc tại 2 ga biên giới Lào Cai và Đồng Đăng. Tàu hàng từ Việt Nam có thể quá cảnh qua Trung Quốc để đến các nước thứ 3 như: Kazakhstan, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á và châu Âu.

Thống kê của VNR từ năm 2017 - 2021, sản lượng vận tải hàng liên vận quốc tế tăng trưởng mạnh. Nếu năm 2017 thực hiện được hơn 870.000 tấn qua cả hai cửa khẩu ga Lào Cai và ga Đồng Đăng, năm 2021 đạt hơn 1.130.000 tấn. Khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước trên 1.000 triệu tấn/năm, trong đó xuất, nhập khẩu qua tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai chiếm khoảng 17%, chủ yếu bằng đường bộ. Do đó, nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt phụ thuộc vào khả năng đáp ứng của đường sắt.

“Theo tính toán, sau khi đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn trước mắt, các cơ chế của hải quan cửa khẩu tạo điều kiện rút ngắn thời gian và đầu tư thêm phương tiện đầu máy, toa xe, khả năng vận tải hàng xuất nhập khẩu sẽ đạt hơn 4,5 triệu tấn/năm, gấp 3 lần hiện nay”, ông Vũ Anh Minh nhận định.

Sơn Vân/Báo Tin tức
Vận tải đường sắt liên vận quốc tế tăng trưởng 2 con số
Vận tải đường sắt liên vận quốc tế tăng trưởng 2 con số

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa cho biết, mặc dù là tháng cận Tết nhưng hoạt động vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt trong tháng 1/2022 vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN