Tăng cường kiểm tra nguồn gốc, giá cả tại các cơ sở kinh doanh vàng

Thực hiện Công điện số 23/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn toàn tỉnh, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Chú thích ảnh
Cán bộ Cục Quản lý thị trường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của 1 cơ sở kinh doanh vàng.

Hiện tại, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 40 cửa hàng kinh doanh vàng, bạc, trang sức mỹ nghệ. Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình phối hợp đơn vị liên quan, thường xuyên kiểm tra nhằm tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ, kiểm soát giá cả và nguồn gốc xuất xứ, góp phần bình ổn thị trường vàng. Đặc biệt, tất cả các cửa hàng kinh doanh vàng, bạc, trang sức mỹ nghệ đều đã thực hiện nghiêm việc ký cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh.

Bà Hoàng Thị Bun, cửa hàng trưởng tiệm vàng Ngọc Hà (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết, cửa hàng đồng tình với việc lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả các loại mặt hàng vàng, bạc. Việc kiểm soát thường xuyên sẽ giúp cho doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng hơn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, qua kiểm tra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã phát hiện, xử phạt hai doanh nghiệp sai phạm. Đáng chú ý, ngày 3/5 Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình) đã kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp đang trưng bày để bán 45 đơn vị sản phẩm trang sức các loại gồm: 26 cái nhẫn, 10 cái mặt dây chuyền, 4 cái vòng tay, 4 đôi bông tai và một lắc tay không rõ xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Chanel đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để xác minh, làm rõ với tổng giá trị số hàng là gần 196 triệu đồng. Ngày 15/5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp này số tiên 205 triệu đồng, buộc tiêu hủy 45 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu. Đồng thời, đình chỉ một phần hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm 2 tháng.

Ông Đặng Văn Hiệu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình) cho biết, Đội số 1 đã triển khai quyết liệt đến các kiểm soát viên, thực hiện việc tuyên truyền, ký cam kết và vận động các cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn không kinh doanh vàng giả, vàng kém chất lượng, vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, đơn vị cũng kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường vàng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường vàng. Đối với trường hợp sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng không có hoá đơn chứng từ theo quy định, được xác định là hàng nhập lậu hay hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hoá giả mạo nhãn hiệu sẽ bị tịch thu và xử lý theo quy định.

Bài và ảnh: Tá Chuyên (TTXVN)
Vĩnh Phúc xử lý 6 cơ sở kinh doanh vàng vi phạm  
Vĩnh Phúc xử lý 6 cơ sở kinh doanh vàng vi phạm  

Từ đầu tháng 5/2024 đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý 6 cơ sở kinh doanh vàng vi phạm về nhãn hiệu và bán hàng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc với tổng số tiền xử phạt là 279 triệu đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN