Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng, nắm chắc tình hình để phát hiện các thủ đoạn, phương thức trong kinh doanh, vận chuyển hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng, gian lận thương mại.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật góp phần tăng cường các biện pháp quản lý và phát triển thị trường vàng trên địa bàn tỉnh.
Để góp phần tăng cường các biện pháp quản lý và phát triển thị trường vàng lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý địa bàn. Các đơn vị thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, giám sát các biến động đối với mặt hàng vàng, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm để tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Điển hình, trong các ngày 14 và 15/5/2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra Công ty Trách nhiệm Hữu hạn vàng bạc Tổng Hằng có địa chỉ tại tổ dân phố Đồi Thông, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo; Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc đá quý Chất Vệ có địa điểm kinh doanh tại xã Tam Quan, huyện Tam Đảo và Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Tiến Đoàn có địa chỉ tại xã Đạo trù, huyện Tam đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đoàn kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp bán các sản phẩm kim loại màu vàng và bạc trang sức gồm mặt dây truyền, lắc, nhẫn mang nhãn hiệu CHANEL. Các sản phẩm trên không có thông tin của nhà sản xuất hoặc đơn vị nhập khẩu, nhãn hiệu in trên sản phẩm không rõ nét, phông chữ in trên sản phẩm nhãn hàng hóa không đúng theo tiêu chuẩn của hàng hóa chính hãng, không có mã CODE sản phẩm.
Các doanh nghiệp không xuất trình được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, không có sổ theo dõi hoạt động mua bán hàng hóa. Giá bán các sản phẩm trên được niêm yết bán thấp hơn nhiều lần so với hàng hóa chính hãng cùng loại.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp trên với mức phạt tiền 52 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 đơn vị được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; trong đó có 4 chi nhánh tổ chức tín dụng và 1 doanh nghiệp. Về hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, toàn tỉnh hiện có 34 doanh nghiệp vàng được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ...