Dây chuyền sản xuất linh kiện điện thoại di động tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Tận dụng ưu đãi và thực thi VKFTA do Vụ Thị trường châu Á - châu Phi do Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 10/5.
Thúc đẩy tăng trưởng thương mại - đầu tưÔng Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, việc đưa VKFTA đi vào thực thi từ cuối năm 2015 đã giúp thương mại, đầu tư giữa hai nước tăng trưởng một cách ngoạn mục, trung bình từ 13 - 30%. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đã đạt 61,5 tỷ USD. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc đang cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam.
Theo ông Lê An Hải, mặc dù Việt Nam đang trong tình trạng nhập siêu từ Hàn Quốc nhưng các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Hơn nữa, cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc lại mang tính bổ sung cho nhau và không cạnh tranh trực tiếp. Những đặc điểm trên cùng với các cam kết cắt giảm thuế quan trọng VKFTA chính là điều kiện thuận lợi để hai nước đẩy mạnh trao đổi thương mại cả về lượng và chất.
Số liệu thống kê của hải quan hai nước cũng cho thấy, các mặt hàng mà Việt Nam và Hàn Quốc cam kết cắt giảm thuế quan theo VKFTA đều có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt. Các mặt hàng tiêu biểu của Việt Nam được cắt giảm thuế từ VKFTA là tôm từ 20% về 0%, hạt điều từ 8% xuống còn 1,6% (2018), xoài là từ 30% xuống còn 18% (2018). Ngược lại, các mặt hàng xe ben, máy giặt công nghiệp, mỹ phẩm dưỡng da của Hàn Quốc cũng được cắt giảm đáng kể thuế suất khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Ông Sungho Anh, Đại diện Bộ Năng lượng - Công nghiệp - Thương mại Hàn Quốc cũng chia sẻ, kể từ khi VKFTA đi vào thực thi, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Doosan… đã liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2017, Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với hơn 6.500 dự án, tổng vốn lũy kế qua các năm đạt 57,6 tỷ USD. Những dự án này chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, sản xuất phục vụ xuất khẩu, góp phần quan trọng vào việc phát triển thương mại giữa hai nước, và là động lực để hai nước hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2020.
Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng tốt ưu đãiMặc dù có sự tăng trưởng vượt bậc về thương mại và đầu tư nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, những kết quả đạt được trong việc tận dụng ưu đãi từ VKFTA chưa tương xứng với tiềm năng của hai quốc gia.
Ông Lê An Hải nhận định, tỷ lệ tận dụng ưu đãi VKFTA của các doanh nghiệp Việt Nam là khá cao so với các FTA khác nhưng vẫn thấp hơn các doanh nghiệp Hàn Quốc và kỳ vọng của cả hai bên. Nguyên nhân xuất phát từ việc VKFTA là một trong những FTA thế hệ mới, phản ánh toàn diện các vấn đề về thương mại tự do, bên cạnh cắt giảm thuế quan còn có các điều khoản, quy định chặt chẽ liên quan tới tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ… khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa kịp thích nghi, đáp ứng điều kiện để được hưởng ưu đãi. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu thông tin về VKFTA cũng như các lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan, dẫn đến việc bỏ qua các ưu đãi chính đáng được hưởng.
Theo nghiên cứu của Đại học Myongji Hàn Quốc, tỷ lệ tận dụng ưu đãi VKFTA trong xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc là 58,8%; trong đó, nhóm mặt hàng có tỷ lệ tận dụng tốt là dệt may, giấy - gỗ và các sản phẩm chế biến cơ bản. Trong khi đó, khảo sát của Công ty dịch vụ hải quan Shinhan cho thấy, 72% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát đã biết tận dụng ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia nhưng chỉ có 24% doanh nghiệp được hưởng ưu đãi từ VKFTA và 28% từ AKFTA (Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc).
Đáng chú ý, việc tận dụng ưu đãi thuế quan xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc vẫn đang tập trung vào các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư của Hàn Quốc. Tiêu biểu là các mặt hàng điện tử, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam, tương đương với quy mô thị trường EU. Ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những nhà cung cấp sản phẩm gỗ lớn của Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ của Việt nam hiện chiếm khoảng 10% tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu và tỷ lệ tận dụng các ưu đãi từ VKFTA đang nghiêng về các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc đang đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. còn các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu tiếp cận vào chuỗi cung ứng và các ưu đãi của hiệp định. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc có lợi thế về việc hiểu rõ các tiêu chuẩn, đặc trưng riêng về đồ gỗ ở thị trường Hàn Quốc, trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam cần có thời gian tìm hiểu cũng như nắm bắt thị hiếu của người dân Hàn Quốc, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi.
Để nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi mà VKFTA mang lại, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt cần nâng cao ý thức chủ động tiếp cận thông tin về VKFTA cũng như các FTA khác mà Việt Nam đang tham gia để lựa chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Đồng thời phải nhanh chóng thay đổi công nghệ, định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhà nước cần đẩy mạnh các hoạt động trao đổi thông tin, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đáp ứng các điều khoản để được hưởng ưu đãi thuế quan, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh từ đó thúc đẩy xuất khẩu, hướng tới mục tiêu cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian tới.