Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng cường xuất khẩu, thu về ngoại tệ cho đất nước. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế thì các doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng được hết những ưu đãi mà quá trình hội nhập mang lại. Vì vậy hiệu quả phát triển kinh tế vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Tính tới thời điểm này, Việt Nam đã tham gia ký kết, đàm phán 16 FTA; trong đó, có 10 FTA đã đi vào thực thi. Qua đó, thiết lập quan hệ thương mại tự do với nhiều quốc gia, khu vực kinh tế rộng lớn trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Liên minh kinh tế Á- Âu… và mở ra nhiều triển vọng phát triển cho doanh nghiệp Việt. Nhưng trên thực tế, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu với nhiều đối tác vẫn chưa theo kịp với tốc độ nhập khẩu dẫn đến nhập siêu kéo dài.
FTA tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh
Hầu hết các FTA đều được đàm phán dựa trên xu hướng tự do hóa thương mại thông qua việc cắt giảm thuế quan, cam kết mở cửa thị trường đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Do đó, việc tham gia nhiều FTA cũng đồng nghĩa với việc mở ra cánh cửa để doanh nghiệp Việt tiếp cận với nhiều thị trường khác nhau.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, lợi ích đầu tiên mà các FTA mang lại chính là nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Dẫn chứng là năm 1995, khi Việt Nam tham gia FTA đầu tiên với khu vực ASEAN, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới đạt 5,4 tỷ USD, đến năm 2007 khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 48,5 tỷ USD và đến nay, trước khi Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ và xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi, giá trị xuất khẩu của Việt Nam ước tính sẽ đạt 214 tỷ USD trong năm 2018.
Lợi thế về cạnh tranh do cắt giảm thuế quan có thể thấy rõ nhất ở ngành dệt may. Theo đó, mức thuế áp dụng với hàng may mặc thành phẩm của các nước không phải thành viên WTO bằng 150% so với các nước thành viên. Mức thuế trung bình áp dụng với hàng may mặc trong các nước thuộc WTO là 25%, nhưng với các FTA mà Việt Nam tham gia sau WTO thì mức thuế với hàng may mặc chỉ còn là 0%-5%. Bên cạnh hàng dệt may thì nhiều nhóm hàng khác của Việt Nam như giày dép, thủy sản, cà phê cũng nhận được các cam kết mở cửa rất sâu của các thị trường đối tác. Đây thật sự là một lợi thế rất lớn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Theo ông Ngô Chung Khanh, lợi ích của việc tham gia các FTA không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm thuế quan mà còn thúc đẩy quá trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính của Việt Nam trong thời gian qua. Các cam kết trong hội nhập chính là sức ép khiến Chính phủ và các cơ quan quản lý phải thay đổi tư duy trong việc làm chính sách và quản lý doanh nghiệp theo hướng minh bạch hơn. Việc hội nhập kinh tế quốc tế còn thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn lực để phát triển.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, việc đàm phán và ký kết các FTA chính là động lực trực tiếp thúc đẩy quá trình cải cách thể chế thực chất nhất. Với áp lực thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường và tạo thuận lợi thương mại, Chính phủ Việt Nam đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn liền với nguyên tắc quản lý rủi ro. Việt Nam cũng từng bước triển khai điện tử hóa các thủ tục hành chính và cổng thông tin một cửa quốc gia nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc làm thủ tục xuất nhập khẩu nhanh chóng và thuận lợi.
Vẫn thâm hụt thương mại với nhiều đối tác FTA
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong những năm gần đây đều tăng trưởng tốt nhưng Việt Nam vẫn đang thâm hụt thương mại với nhiều đối tác lớn như Hàn Quốc, ASEAN, Trung Quốc… với tổng giá trị thâm hụt năm 2017 lên tới 68,7 tỷ USD.
Chương trình thuế quan ưu đãi trong khu vực ASEAN (CEPT/AFTA) hiện nay đã được hoàn thiện thành Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là FTA đầu tiên mà Việt Nam tham gia. Đây cũng là FTA có mức độ mở cửa sâu rộng nhất trong số các FTA đã có hiệu lực với việc xóa bỏ tới 98% số dòng thuế. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 20 năm gia nhập ASEAN và 3 năm hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên vẫn đang nghiêng về hướng nhập khẩu. Hàng hóa từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong các hệ thống phân phối hiện đại. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt chưa tạo được bước đột phá nào trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN không có sự gia tăng đột biến nào kể từ khi hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, nhưng kim ngạch và mức tăng trưởng nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam đã tăng nhanh. Giá trị nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN vào Việt Nam đã cao hơn 2,6 lần so với xuất khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại của Việt Nam với thị trường ASEAN năm 2017 là 6,5 tỷ USD.
Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2018, Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ ASEAN với giá trị 5,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy nhập siêu từ ASEAN đang là vấn đề đáng lo ngại của Việt Nam.
Với thị trường Hàn Quốc, Việt Nam hiện đang thực thi song song hai FTA gồm Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) nhưng cán cân thương mại vẫn đang lệch hẳn về phía Hàn Quốc.
So với cam kết chung trước đó giữa ASEAN - Hàn Quốc, trong VKFTA, Hàn Quốc đã mở cửa thêm gần 500 mặt hàng của Việt Nam. Ngược lại Việt Nam cũng thực hiện chính sách ưu đãi mới cho hơn 270 mặt hàng khác của Hàn Quốc. Đây được xem là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm dỡ bỏ hàng rào thuế quan, thúc đẩy tự do hóa thương mại giữa hai quốc gia.
Về lộ trình mở cửa, phía Hàn Quốc cam kết xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa của Việt Nam trong vòng 3-5 năm sau khi FTA có hiệu lực, ngược lại Việt Nam cam kết xóa bỏ hầu hết thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc trong vòng 10 năm.
Xét trên lý thuyết, điều khoản cam kết trong VKFTA, các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với doanh nghiệp Hàn Quốc do được mở cửa nhiều mặt hàng hơn và lộ trình cắt giảm thuế quan cũng ngắn hơn.
Thế nhưng trên thực tế, sau 3 năm thực thi VKFTA song song với AKFTA, mỗi năm Việt Nam đang thâm hụt thương mại hàng chục tỷ USD với Hàn Quốc. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc lên tới 30 tỷ USD. Tính riêng 10 tháng năm 2018, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc) với kim ngạch đạt 39,2 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt gần 15 tỷ USD, thâm hụt thương mại hơn 24 tỷ USD.
Với tình hình hiện nay, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ rất khó kéo giảm thâm hụt, cân bằng cán cân thương mại với các đối tác ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thời gian ngắn.