Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2022, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt 1,48 triệu tấn với 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.. Các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia, Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) tiếp tục mang lại cho gạo Việt Nam nhiều cơ hội lớn, đặc biệt là các loại gạo chất lượng cao.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá xuất khẩu gạo ngày 13/4 của Việt Nam đang dẫn đầu trong các nước lớn xuất khẩu gạo. Cụ thể, gạo 5% tấm đạt 415 USD/tấn; 395 USD/tấn với gạo 25% tấm. Trong khi đó, gạo Thái Lan đạt 406 USD/tấn với gạo 5% tấm; 404 USD/tấn với gạo 25% tấm. Riêng giá gạo 5% tấm của Ấn Độ và Pakistan là 343 USD/tấn.
Trong quý I, các doanh nghiệp chủ yếu giao gạo cho Philippines theo hợp đồng của năm ngoái, nhưng nhiều tín hiệu cho thấy nhu cầu nhập khẩu gạo mới đang có nhiều tích cực. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, ngoài Philippines, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường khác đều tăng trở lại. Dự báo xuất khẩu gạo quý II/2022 tiếp tục sôi động. Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp của châu Phi còn chần chừ do giá cước vận chuyển tăng nhưng nay họ cũng buộc phải mua vào dù mặt bằng giá gạo đang tăng.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thị trường cho thấy xu hướng giá đi lên nên có tâm lý chờ giá tốt mới bán ra trong khi các nước nhập khẩu lại muốn mua sớm. Mọi năm, Philippines đến cuối tháng 5 mới mở hạn ngạch nhập khẩu gạo nhưng nay nhiều dấu hiệu cho thấy họ sẽ nhập khẩu sớm hơn. Do đó, tình hình tiêu thụ gạo trong quý II sẽ có nhiều thuận lợi. Cùng với đó, nhu cầu dự trữ lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục tăng, trong khi gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được ưu thế, uy tín trên thị trường quốc tế nên cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho ngành hàng gạo đang rất rộng mở.
Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng thêm từ 10 - 20 USD/tấn. Theo cơ quan thống kê của châu Âu, trong số các nguồn cung cấp gạo vào EU, giá gạo của Việt Nam tăng mạnh nhất, với mức tăng hơn 20%.
Mặc dù EU hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam (chiếm 1% về lượng và 1,3% về kim ngạch) nhưng đây lại là thị trường tiềm năng về xuất khẩu các loại gạo có giá trị cao. Bên cạnh đó, EU vẫn là thị trường ổn định, đặc biệt là mang lại giá trị cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á. Do đó, thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vi vậy, tiếp tục chiến lược chất lượng sẽ giúp gạo Việt duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường này.
Nhiều doanh nghiệp đã chinh phục thị trường này bằng cách tạo ngay thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp, cho gạo Việt khi bước chân vào thị trường EU, điển hình như Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, doanh nghiệp chỉ xuất khẩu gạo vào EU với thương hiệu của Trung An mà không chấp nhận việc phải "mượn" tên doanh nghiệp nhập khẩu nào; sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ với giá bán tốt.
"Năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn chưa tận dụng hết những ưu đãi về hạn ngạch thuế quan mà Hiệp định EVFTA mang lại nên đây vẫn là cơ hội cho các doanh nghiệp trong năm nay nắm bắt", ông Phạm Thái Bình cho hay.
Bên cạnh đó, sau một thời gian thực hiện Hiệp định EVFTA cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU hưởng hạn ngạch thuế quan chủ yếu là: Jasmine 85, ngoài ra có ST5, ST20, các giống Nàng Hoa 9, VD20, RVT, OM 5451 có nhưng không nhiều. Giống gạo thơm được quy định trong danh mục từ năm 2013 khi tiến hành đàm phán Hiệp định EVFTA nên hiện một số giống không phù hợp với thị hiếu để xuất khẩu sang EU. Trong khi một số giống lúa thơm mới có tiềm năng đã có lô hàng được xuất vào EU nhưng chưa được hưởng ưu đãi thuế trong hạn ngạch.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất với Bộ Công Thương điều chỉnh danh mục giống gạo thơm quy định. Theo đó, bỏ một số giống không còn sản xuất và bổ sung một số giống lúa thơm mới có tiềm năng xuất khẩu vào EU. Cụ thể, đưa ra khỏi danh mục 2 giống lúa thơm là: OM4900 và Tài nguyên Chợ Đào; bổ sung vào danh mục 6 giống lúa thơm mới là ST24, ST25, Đài Thơm 8, OM18, OM7347 và OM9921.
Nhận định về giá gạo, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường ngành hàng lúa gạo phân tích, giá gạo tăng do tác động của cuộc căng thẳng Nga-Ukraine. Trên thị trường thế giới, giá các loại nông sản như: ngô, lúa mì, đậu tương… đều đã tăng khá mạnh.
Chuyên giá Nguyễn Đình Bích nhận định, giá gạo sẽ còn tiếp tục xu thế tăng, vì tác động giá lương thực thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến giá gạo xuất khẩu. Nếu căng thẳng Nga-Ukraine hạ nhiệt thì giá lương thực sẽ bình ổn trở lại. Tuy nhiên, giá sẽ đứng ở mức cao, do đó, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao diễn biến giá lương thực thế giới để có ứng xử thích hợp.
Ông Phạm Thái Bình đánh giá, thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ thuận lợi hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân là do nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch COVID-19, nhiều chuỗi cung ứng vốn từng bị đứt gãy do đại dịch đang được kết nối lại giúp cho sức mua bán tăng lên. Bên cạnh đó, những căng thẳng về chính trị giữa một số nước cũng sẽ khiến cho nhiều nước quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực.
Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, quý II/2022 cũng là thời điểm xuất khẩu gạo nhộn nhịp hơn do các quốc gia nhập khẩu đẩy mạnh mua vào. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần bảo đảm nguồn hàng, lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển... để chủ động giao hàng và ký kết các hợp đồng mới.