Mới đây nhất, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có văn bản số 1532/SGTVT-KHTC ngày 14/4/2021 về việc đề xuất phương án phê duyệt đồ án “Quy hoạch bến bãi đỗ xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050’’. UBND thành phố sẽ đề xuất Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố cho phép triển khai thực hiện.
Thành phố Hà Nội cũng đang tập trung thực hiện Quy hoạch các bến xe liên tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tập trung nâng cấp, cải tạo các bến xe hiện có, gồm: Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm, Thường Tín; xây dựng mới bến xe khách Xuân Mai thành bến xe cấp 3 kết hợp điểm trung chuyển xe buýt.
Hà Nội sẽ xây dựng một số bến xe khách trong giai đoạn trung hạn tại các khu vực: phía Nam (Nam Vành đai 3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai với diện tích khoảng 3,4 ha); phía Tây (khu vực Nam Quốc lộ 32, Xuân Phương, huyện Từ Liêm, diện tích khoảng 3 - 5 ha); phía Bắc (khu vực Vân Trì và Hải Bối, huyện Đông Anh diện tích khoảng 3 - 5 ha).
Thành phố xây dựng mới các bến xe khách liên tỉnh kết hợp các điểm đầu cuối xe buýt tại mỗi khu đô thị trung tâm gồm: Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) diện tích khoảng 4,3 ha; bến xe phía Đông Bắc (Cổ Bi, huyện Gia Lâm) diện tích khoảng 8 - 10 ha; bến xe phía Nam (Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) diện tích khoảng 11 ha; bến xe Đông Anh diện tích khoảng 5,3 ha; bến xe Phùng (huyện Đan Phượng) diện tích khoảng 8 - 10 ha; bến xe phía Tây (huyện Quốc Oai) diện tích khoảng 5 - 7 ha; bến xe phía Bắc (Nội Bài) diện tích khoảng 5 - 7 ha.
Đối với khu đô thị vệ tinh gồm: Bến xe Phú Xuyên diện tích khoảng 5 ha; bến xe Xuân Mai diện tích khoảng 5 ha; bến xe Nam Hòa Lạc diện tích khoảng 5 ha; bến xe Bắc Hòa Lạc diện tích khoảng 5 ha; bến xe Sơn Tây 2 diện tích khoảng 5 ha; bến xe Nam Sóc Sơn diện tích khoảng 5 ha; bến xe Bắc Sóc Sơn diện tích khoảng 5 ha.
Các bến xe hiện có nằm sâu trong phạm vi đô thị trung tâm tạm thời được giữ lại, tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô hiện có gồm 4 bến xe là Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm.
Tới đây, thành phố xây dựng bến xe khách Yên Sở, quận Hoàng Mai để hỗ trợ cho các bến xe hiện có. Về lâu dài, sau khi đầu tư hoàn thành bến xe khách chính phía Nam (khu vực Ngọc Hồi - đường Vành đai 4) thì bến xe khách Yên Sở và bến xe khách Nước Ngầm sẽ được chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe (các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại 2 bến xe khách này sẽ được điều chuyển về Bến xe khách đầu mối tập trung phía Nam).
Dài hạn hơn, thành phố quy hoạch mới 7 bến xe khách liên tỉnh phục vụ đô thị trung tâm gồm: Bến xe khách phía Bắc 10 ha; bến xe khách Đông Anh 5,3 ha; bến xe khách phía Đông Bắc (bến xe Cổ Bi) 10,4 ha; bến xe khách phía Nam 10 ha; Bến xe khách Yên Nghĩa 7 ha; Bến xe khách phía Tây 5ha; Bến xe khách phía Tây Bắc (Phùng) 15 ha.
Tại các đô thị vệ tinh, quy hoạch các bến xe khách theo định hướng quy hoạch chung các đô thị vệ tinh đã được phê duyệt gồm: Đô thị vệ tinh Phú Xuyên có 1 bến diện tích 5 ha; đô thị vệ tinh Xuân Mai có 2 bến 6 ha; đô thị vệ tinh Hòa Lạc có 3 bến 15 ha; đô thị vệ tinh Sơn Tây có 4 bến 10,65 ha; Đô thị vệ tinh Sóc Sơn có 3 bến với diện tích 7,5 ha. Tại các thị trấn huyện lị, thị trấn sinh thái bố trí các bến xe khách quy mô từ 1 - 5 ha đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, với những quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, cộng với các cấp, ngành quan tâm đang là thuận lợi rất lớn để ngành giao thông phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện được khối lượng công việc lớn như vậy cũng là một trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ của Sở Giao thông Vận tải và các địa phương. Để tạo tiền đề tốt cho việc quy hoạch vận tải hành khách, các bến xe thì trước mắt phải siết chặt quản lý, không để vi phạm tràn lan dẫn tới hệ lụy “làm trước hỏng sau”.