Tái cơ cấu là nhu cầu cấp thiết của ngành ngân hàng

Ngày 9/10, một quan chức của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định tái cơ cấu toàn hệ thống là nhu cầu cấp thiết của ngành ngân hàng Việt Nam.

Quang cảnh buổi hội thảo ngày 9/10. Ảnh: nhandan.com.vn


Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cấu trúc ngân hàng thương mại” do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức tại Hà Nội ngày 9/10, ông Bùi Huy Thọ, Vụ phó Vụ quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng, nói quy mô các tổ chức tín dụng (TCTD) ở Việt Nam vẫn còn nhỏ, mật độ phân bổ mạng lưới mất cân đối, tập trung chủ yếu ở đô thị. Khả năng cung ứng dịch vụ ngân hàng còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng của các thành phần kinh tế khác nhau trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, theo ông Thọ, các ngân hàng thương mại (NHTM) còn nhiều yếu kém cả về năng lực tài chính, quản trị điều hành, dễ bị tổn thương trước các cú sốc đến từ nền kinh tế trong nước và thế giới.

“Trong bối cảnh các điều kiện kinh tế vĩ mô khó khắn, các yếu kém này càng bộc lộ rõ, thể hiện qua các chỉ số nợ xấu cao, thanh khoản thiếu, khiến cho các ngân hàng này nỗ lực duy trì sự tồn tại bằng mọi giá thông qua việc áp dụng nhiều hình thức cạnh tranh thiếu lành mạnh, tạo phản ứng lan truyền trong toàn hệ thống”, ông Thọ nói.

Vì vậy, ông Thọ nhấn mạnh việc củng cố, chấn chỉnh lại tổ chức hoạt động của các TCTD yếu kém và tái cơ cấu toàn hệ thống là nhu cầu cấp thiết của ngành ngân hàng Việt Nam .

Theo ông Thọ, từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai để hoàn thành trong năm 2013 việc sáp nhập 1 ngân hàng TMCP; mua lại 2 công ty tài chính; đóng cửa 6 chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua chuyển giao tài sản, công nợ và thu hồi giấy phép; chuyển đổi 2 ngân hàng liên doanh sang NHTM 100% vốn nước ngoài.
Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu BIDV cho rằng quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, nợ xấu vẫn ở mức cao và đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn để xử lý nợ. Ngoài ra, những vấn đề như sở hữu chéo, quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế, các công cụ điều hành còn thiếu và năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động của nền khách hàng còn yếu cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tái cơ cấu các NHTM.


Cùng chung quan điểm đó, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT BIDV, cho rằng dù quyết tâm chính trị của NHNN là rất lớn nhưng thực tế triển khai tái cơ cấu hệ thống NHTM không dễ bởi nhiều nguyên nhân như thiếu thông tin, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, phối hợp chính sách yếu, nguồn lực hạn chế. Ngoài ra, có rất nhiều vấn đề như xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp, tăng tín dụng... NHNN không thể một mình giải quyết, trong khi công tác phối hợp chính sách chưa hiệu quả.

Hiện nay, hệ thống ngân hàng của Việt Nam gồm 48 NHTM, 2 ngân hàng chính sách, 53 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 28 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 2 tổ chức tài chính vi mô và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân gồm 1 ngân hàng hợp tác xã và 1.414 quỹ cơ sở.


Đỗ Huyền
Thống đốc NHNN: Cơ bản kiểm soát nợ xấu vào 2015
Thống đốc NHNN: Cơ bản kiểm soát nợ xấu vào 2015

Đây là chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình trong lễ khai trương hoạt động Công ty Quản lý tài sản (VAMC) sáng nay 26/7, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN