Suy thoái kinh tế lan đến châu Á

Theo báo "Thư tín địa cầu", các nền kinh tế châu Á đang ngày càng cảm nhận rõ ràng hơn những tác động từ cuộc khủng hoảng trong Khu vực sử dụng đồng euro và nhịp độ tăng trưởng yếu ở Mỹ, với lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu suy giảm mạnh trong tháng Bảy.

 

Các nền kinh tế châu Á đang ngày càng cảm nhận rõ ràng hơn những tác động từ cuộc khủng hoảng trong Khu vực sử dụng đồng euro. Nguồn: Internet.

 

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc và Ấn Độ tăng chậm hơn trong tháng Bảy, trong khi Nhật Bản cũng có kết quả yếu kém nhất kể từ trận động đất và sóng thần năm ngoái. Xuất khẩu của Hàn Quốc rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ đầu năm đến nay.

 

Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng HSBC, cho biết: "Châu Á cuối cùng cũng bị sa vào mớ hỗn độn của châu Âu với thương mại bắt đầu bị thắt chặt. Các dữ liệu mới nhất cho thấy sóng gió đang đến nhiều hơn với các thị trường xuất khẩu (của châu Á)".

 

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm nhẹ trong tháng Bảy, mặc dù hy vọng đã tăng lên sau khi Bắc Kinh cắt giảm tỷ lệ lãi suất và kêu gọi các ngân hàng tăng cường cho vay để vực dậy nền kinh tế. Chỉ số PMI của Trung Quốc giảm từ 50,2 xuống 50,1 điểm. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ngày 31/7 đã cảnh báo về những rủi ro của nền kinh tế toàn cầu, và nói rằng "áp lực suy giảm vẫn còn tương đối lớn".

 

Chỉ số PMI của Nhật Bản giảm hai điểm xuống 47,9 trong tháng Bảy. Trong khi đó, hoạt động sản xuất của Australia, vốn phụ thuộc rất nhiều vào sức mua tài nguyên của Trung Quốc, trong tháng này đã đạt mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Chỉ số PMI của Australia giảm 6,9 điểm.

 

Các dữ liệu yếu kém của châu Á đã làm nổi bật sự phụ thuộc của khu vực này vào yêu cầu từ Mỹ và châu Âu, những nền kinh tế đang phải vật lộn với hậu quả của bong bóng nợ khổng lồ từ năm 2008. Trong khi cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng euro đã tác động mạnh mẽ đến nhịp độ tăng trưởng ở châu Âu trong hơn một năm qua và làm sụt giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu từ châu Á.

 

Tai hại hơn nữa, các nền kinh tế của nhiều quốc gia châu Á đang chậm lại, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan. Các nhà đầu tư hy vọng nền kinh tế của Trung Quốc sẽ được phục hồi và tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm nay.

 

Hồi tháng Sáu, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường đầu tư để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, các gói kích thích sẽ không lớn như năm 2009-2010 vốn đã khiến cho nợ và lạm phát tăng cao. Theo chuyên gia kinh tế Ashley Davies của Commerzbank, chỉ số PMI của Trung Quốc là "phù hợp với sự giảm tốc liên tục nhưng không hạ cánh cứng" của quốc gia này.

 

Lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba của châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản, cũng giảm đáng kể trong tháng Bảy. Chỉ số PMI của Ấn Độ đã giảm từ mức 55 điểm trong tháng Sáu xuống còn 52,9. Chỉ có PMI của Indonesia là tăng 1,2 điểm lên 51,4 điểm trong tháng Bảy, mức cao nhất trong 9 tháng qua.

 

TTXVN/Tin tức

Kinh tế thế giới vẫn mất cân bằng
Kinh tế thế giới vẫn mất cân bằng

Kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng mất cân bằng, khi các nền kinh tế phát triển phải vật lộn với nợ công, còn nhóm các nền kinh tế đang phát triển cho dù đạt mức tăng trưởng cao song vẫn đối mặt với nhiều rủi ro và nguy cơ đổ vỡ bong bóng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN