Từ ngày 28/12/2013 đến ngày 3/1/2014, thành phố Cần Thơ, thủ phủ của vùng đất Tây Nam Bộ đã long trọng tổ chức một chuỗi các sự kiện, chương trình lễ hội phong phú, hoành tráng và đặc sắc chào mừng kỷ niệm 10 năm thành phố trực thuộc Trung ương và mừng Xuân Giáp Ngọ. Nhìn lại chặng đường 10 năm đi qua cho thấy: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ đã cố gắng vượt bậc, đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy trí tuệ, tiềm năng lợi thế để gặt hái được những thành tựu to lớn, khẳng định sức bật mạnh mẽ ở rất nhiều, trong đó nổi bậc nhất là phát triển kinh tế. Cần Thơ, mảnh đất Tây Đô anh hùng trong hai cuộc kháng chiến và nay đang tiếp tục vươn lên, từng bước khẳng định vai trò kinh tế đầu tàu của các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
TP Cần Thơ có những điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. TP Cần Thơ có vị trí địa lý nằm ở trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ có trường Đại học Cần Thơ mỗi năm cung cấp hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ở các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, tạo ra nguồn nhân lực rất lớn cho thành phố và cả khu vực. Cần Thơ có Viện Nghiên cứu Lúa đồng bằng sông Cửu Long đảm nhận công các nghiên cứu, thực hiện các dự án và cung ứng nhiều giống lúa quý giúp tăng năng suất, sản lượng, chất lượng lúa gạo phục vụ xuất khẩu đạt trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Cần Thơ còn có hệ thống cảng biển quốc tế, cảng nước sâu giúp lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước, có hệ thống bệnh viện mang tầm vóc khu vực phục vụ cho cả vùng.
Trong 10 năm qua, được sự đầu tư hỗ trợ của Trung ương cùng với sự cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, hàng loạt các công trình lớn được khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng như: cầu Cần Thơ, Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn, hàng loạt các trường đại học lớn trên địa bàn được đưa vào sử dụng, các dự án giao thông đường bộ được nâng cấp và đầu tư mới, nâng cấp đô thị trong nội ô được mở rộng đã góp phần rất lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố. Hàng loạt các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ra đời như: Metro Cash&Carry, Co.op Mart, Vinatex, MaxiMart, Big C, Nguyễn Kim... đã giúp cho tốc độ tăng trưởng GDP của TP Cần Thơ tăng cao và cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao).
So với các tỉnh, thành khác và cả nước thì Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng GDP cao trong nhiều năm liền. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 10 năm qua (2004 - 2013) đạt 14,5%/năm, trong đó khu vực nông nghiệp - thủy sản tăng bình quân 2,86%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 17,22% và khu vực thương mại - dịch vụ tăng 17,54%.
Chế biến cá tra tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam (Khu công nghiệp Trà Nóc - Cần Thơ). |
Năm 2013, tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ đạt 11,67%, thu nhập bình quân đầu người đạt 62,9 triệu đồng/năm, tăng gấp hơn 6 lần so với năm 2004 (10,3 triệu đồng/năm). Cơ cấu kinh tế năm 2013: khu vực nông nghiệp và thủy sản chiếm 8,61%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 38,92%, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 52,47% trong GDP. Trong suốt 10 năm qua, ngành công nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng quy mô sản xuất công nghiệp của Cần Thơ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng trưởng bình quân đạt 17,3%. Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 87.336 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với năm 2004. TP Cần Thơ đã huy động được nhiều nguồn lực để phát triển công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và có thế mạnh như: chế biến nông, thủy sản, xay xát chế biến gạo, phân bón, thuốc sát trùng, thuốc thú y - thủy sản dùng trong nông nghiệp, bia, tân dược, vật liệu xây dựng, sản xuất và phân phối điện. Các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực của thành phố là thủy hải sản đông lạnh, gạo có sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng dần qua từng năm. Một số đơn vị đã xây dựng được thương hiệu, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Đến cuối năm 2013, toàn thành phố đã có 10.862 doanh nghiệp các loại đang hoạt động với tổng nguồn vốn đăng ký là 39.113 tỷ đồng và 2.584 chi nhánh, văn phòng đại diện, 59 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng nguồn vốn đăng ký là 885 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đăng ký mới hoặc mở rộng quy mô, tăng vốn đầu tư trong các khu công nghiệp mặc dù tình hình kinh tế trong nước hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Có được kết quả trên là nhờ TP Cần Thơ đã từng bước thực hiện có hiệu quả các chính sách cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố qua từng năm.
Năm 2013, mặc dù bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nhưng TP Cần Thơ vẫn thực hiện đạt và vượt 18/22 chỉ tiêu kinh tế xã hội, tạo động lực rất lớn cho thành phố phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn thu ngân sách của nhiều địa phương trong cả nước không đạt thì TP Cần Thơ lại có số thu ngân sách đạt gần 10 nghìn tỷ đồng, vượt 10,54% kế hoạch và vượt 35,5% dự toán Bộ Tài chính giao. Cần Thơ là địa phương duy nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long điều tiết ngân sách về Trung ương.
Cần Thơ ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long. |
Kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ ngoại tệ năm 2013 đạt 1.500 triệu USD, đạt 100% kế hoạch. Cần Thơ tiếp đón và phục vụ 1,25 triệu khách du lịch trong và ngoài nước, doanh thu từ du lịch đạt được gần 1 nghìn tỷ đồng. Ngoài các chỉ tiêu về kinh tế rất quan trọng đạt cao, lĩnh vực văn hóa - xã hội của thành phố cũng tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các lĩnh vực như y tế, giáo dục, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được thực hiện tốt góp phần giảm bớt khó khăn, nâng cao đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm còn 3,95%.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ: "Có được những kết quả trên là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân thành phố. Thành phố đã chọn khâu đột phá để chỉ đạo là "cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực, hướng về cơ sở", tiếp tục thực hiện nghị quyết Trung ương 4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chỉ đạo tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém sau kiểm điểm. Trong thời gian tới, TP Cần Thơ đề ra mục tiêu là thực hiện tốt các giải pháp điều hành phát triển kinh tế, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao, tập trung đi vào chiều sâu, tăng cường năng lực cạnh tranh, huy động mọi nguồn lực phát triển thành phố gắn với đảm bảo an sinh xã hội".
Năm 2014, TP Cần Thơ đưa ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó đáng chú ý nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP phải đạt từ 12 đến 12,5%, cao hơn chỉ tiêu thực hiện năm 2013 là từ 0,33 đến 0,83%. Theo ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ: Việc đề ra chỉ tiêu cao như trên thể hiện sự cố gắng, quyết tâm chính trị rất cao của các cấp chính quyền thành phố nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII đề ra vào cuối nhiệm kỳ. Các giải pháp được TP Cần Thơ đưa ra thực hiện trong năm 2014 là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh; Huy động quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; Tăng cường quản lý trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ; Tăng cường quản lý đô thị, đất đai, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Từ những thành tích nổi bật trong thời gian qua kết hợp với những quyết tâm chính trị rất cao mà các cấp lãnh đạo đang thực hiện, thành phố Cần Thơ đã và đang tạo ra sức bật mới trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay. Cần Thơ - Tây Đô đang ngày càng khẳng định vị trí đầu tàu về phát triển kinh tế trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ngọc Thiện