Đồng thời, Campuchia cũng thông tin, chứng nhận kiểm tra Ethylen Oxide chỉ bắt buộc đối với "Mì ăn liền Hảo Hảo". Nhà nhập khẩu phải nộp giấy chứng nhận này với số lô tương ứng cho cán bộ kiểm tra (hải quan và thuế) tại cửa khẩu. Việc kiểm tra thực tế có thể được tiến hành ở các lô hàng cho đến khi nếu 5 lô hàng liên tiếp không bị nhiễm Ethylen Oxide.
Trước đó, Văn phòng SPS Việt Nam cũng đã nhận được văn bản của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam liên quan đến việc mì Việt Nam sẽ bị kiểm soát chặt chẽ tại thị trường Campuchia. Điều này sẽ làm cho các đại lý của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam tại Campuchia e ngại không dám nhập hàng.
Để cung cấp thông tin chính xác cho doanh nghiệp, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhanh chóng liên hệ với cơ quan SPS của Campuchia và được thông tin như trên. “3 năm gần đây, Văn phòng SPS Việt Nam chưa nhận được cảnh báo nào từ phía Campuchia về việc mì tôm của Việt Nam nhập khẩu vào nước này”, ông Ngô Xuân Nam cho hay.
Theo ông Ngô Xuân Nam, doanh nghiệp trong nước phải nắm vững các quy định của thị trường nhập khẩu, đồng thời duy trì liên hệ, thông tin với Văn phòng SPS Việt Nam để có hướng xử lý kịp thời trước những vấn đề phát sinh.
Trước đó, bản tin thị trường của Thương vụ Việt Nam tại Campuchia dẫn thông tin từ Khmer Times, sau khi EU phát hiện một số mì nhập khẩu từ Việt Nam có chứa Ethylen Oxide, các cơ quan Campuchia sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì Việt Nam có chứa chất này.
Thành viên của Chính phủ, phụ trách Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận (KPR) cho biết, nếu phát hiện loại mì này vào thị trường Campuchia, Tổng cục KPR sẽ vào cuộc để thu hồi.
Đồng thời cho biết thêm, Tổng cục Hải quan sẽ chỉ đạo với hải quan các địa phương để phân loại các loại mì này vào loại hàng hóa rủi ro và cần có giấy chứng nhận không chứa chất Ethylen Oxide đối với mì nhập khẩu trong thời gian tới.
Theo Bộ Công Thương, Ethylene Oxide hay còn gọi là oxiran là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. EO không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế… nhằm diệt khuẩn Salmonella).