Vốn là cây mọc hoang dại, nhưng với lợi ích kép. Trong những năm qua, sơn tra đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, góp phần đổi thay cuộc sống và xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao Sơn La.
Những ngày này, nương sơn tra chín rộ của gia đình ông Mùa A Sự ở bản Háng Chơ, xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, luôn tấp nập, rộn ràng người thu hái, thu mua. Với hơn 10 ha sơn tra, 5 năm trở lại đây, khi cây sơn tra bắt đầu cho thu hoạch, cuộc sống của gia đình ông khấm khá lên trông thấy.
Ông Mùa A Sự, xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên chia sẻ, trước đây, gia đình ông chỉ làm nương rẫy, do đó kinh tế thu nhập thấp, nghèo đói. Những năm gần đây, gia đình ông đã chuyển sang trồng cây ăn quả và trồng cây sơn tra; đến nay đã thu hoạch được 5 năm vởi trên 10 tấn quả sơn tra/năm. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu được từ 30 đến 40 triệu đồng mỗi năm.
Từ chỗ mọc tự nhiên trong những khu rừng, hiện cây sơn tra đang được người dân vùng cao Sơn La cải tạo, chăm sóc theo kỹ thuật, trở thành loại cây đa mục tiêu, giúp giữ đất, giữ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Ông Mùa A Lồng, xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, bộc bạch, gia đình ông có 1 ha trồng sơn tra được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cách chăm sóc nên thu quả đều. Cây sơn tra vừa cho thu hoạch quả đem bán lấy tiền, vừa giữ được rừng, nên gia đình ông sẽ cố gắng trồng thêm.
Là vùng đất có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của cây sơn tra, huyện vùng cao Bắc Yên hiện có gần 2.600 ha; trong đó, có khoảng 1.530 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 1.900 tấn/năm, tập trung tại các xã vùng cao Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng.
Những năm qua, huyện Bắc Yên đã triển khai nhiều giải pháp phát triển cây sơn tra theo hướng hiệu quả, bền vững phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu; đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn cải tạo, lai ghép giống cây sơn tra, để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng thành vùng nguyên liệu tập trung. Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay, việc tiêu thụ sơn tra đang từng bước ổn định trở lại, đảm bảo đầu ra và thu nhập cho bà con.
Ông Giàng A Nênh, Chủ tịch UBND xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên thông tin, Xím Vàng chủ yếu là trồng cây lúa ruộng và cây sơn tra. Cây sơn tra rất quan trọng với người dân xã Xím Vàng và là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, giúp họ xóa đói giảm nghèo.
Cũng như các xã vùng cao huyện Bắc Yên, những ngày này, tại bản Nậm Nghiệp, xã vùng cao Ngọc Chiến, huyện Mường La, đang bước vào chính vụ thu hoạch quả sơn tra. Trên khắp các sườn đồi, trong vườn nhà, những cây sơn tra trĩu quả, chín vàng, hương thơm phảng phất, gợi lên một bức tranh với những gam màu tươi sáng.
Cách Trung tâm xã Ngọc Chiến hơn 12 km, Nậm Nghiệp là bản xa nhất, cao nhất và cũng là nơi nhiều sơn tra nhất của xã Ngọc Chiến, với 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Kinh tế của người dân nơi đây đa số phụ thuộc vào canh tác nương rẫy, chăn nuôi, khai thác một số sản vật địa phương như quả sơn tra. Cả bản có khoảng 1.200 ha cây sơn tra đang đến độ thu hoạch quả, đem lại nguồn thu chính cho trên 130 hộ dân.
Ông Kháng A Sáy, Bí thư Chi bộ bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến cho biết, trước đây, người dân trong bản chủ yếu trồng lúa nương, ngô, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại thấp, nên cuộc sống còn khó khăn. Nhưng những năm gần đây, người dân trong bản đã đổi hướng sang trồng thêm cây sơn tra để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Sơn tra là cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc và gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao. Những quả sơn tra chín vàng óng, thấp thoáng trên những sườn đồi như tô điểm thêm cho cảnh vật hùng vĩ nơi vùng cao Sơn La. Từ một loại quả rừng ít người biết, đến nay, quả sơn tra đã trở thành một loại đặc sản mang bản sắc riêng có của núi rừng Tây Bắc và được chế biến thành nhiều sản phẩm độc đáo như nước uống, rượu, mứt... góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao.