Xuất hiện nhiều "ổ gà, ổ voi"
Theo rà soát của Cục Đường bộ Việt Nam, đoạn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang xuất hiện nhiều hư hỏng như: Hàng rào bảo vệ bị phá bỏ, hàng rào tôn hộ lan bị tháo dỡ hình thành các lối đi tự phát; một số vị trí mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe, rạn nứt, trồi lún... Bên cạnh đó, các đoạn tuyến đi qua các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai cũng dần xuất hiện các vị trí "ổ gà, ổ voi".
Tình trạng này ngày càng xuất hiện nhiều, nhất là các vị trí từ Km83 - Km84, Km138 - Km149, Km161 - Km169... tạo thành những máng rộng từ 50 - 60 cm, sâu khoảng 5cm. Nhiều lái xe cho biết, mặt đường xuống cấp nhiều, không tương xứng với mức phí bỏ ra, thậm chí tiềm ần nguy cơ mất an toàn, tai nạn, nhất là về ban đêm.
Nguyên nhân khiến tuyến cao tốc này xuống cấp được xác định là do lưu lượng phương tiện trên tuyến đường tăng nhanh với nhiều xe có tải trọng lớn, đặc biệt là xe tải, container với mật độ cao. Đại diện Ban điều hành cao tốc Nội Bài - Lào Cai cho biết, thời gian gần đây, hàng trăm phương tiện có dấu hiệu quá tải không chấp hành kiểm tra tải trọng, không lấy thẻ cước phí đầu vào, cố tình vượt qua trạm soát vé gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt làm hư hại chất lượng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Được đưa vào khai thác từ năm 2014, sau 8 năm vận hành, nhiều đoạn tuyến đã xuống cấp, nếu không được sửa chữa sớm, tình trạng hư hỏng sẽ lan rộng và khó bảo trì. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác duy tu, bảo trì tuyến cao tốc này vẫn chưa được thực hiện trong khi việc thu phí tại đây vẫn diễn ra.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245 km, đi qua 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Đây cũng là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất, dài nhất Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư (giai đoạn I) là 1.464 triệu USD
Yêu cầu VEC khẩn trương sửa chữa
Trước thực tế trên, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu VEC khẩn trương sửa chữa, khắc phục các hư hỏng mặt đường, hàng rào, vệ sinh hệ thống báo hiệu; kiểm tra phát hiện kịp thời các phương tiện dừng đỗ sai quy định, thông báo tới lực lượng cảnh sát giao thông để xử lý trường hợp lái xe cố tình vi phạm.
Khu Quản lý đường bộ I có trách nhiệm hướng dẫn VEC quản lý, bảo trì, tổ chức giao thông trên tuyến; định kỳ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc VEC khắc phục các tồn tại, bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến.
Qua tìm hiểu, VEC là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Cục Đường bộ Việt Nam không trực tiếp quản lý, chỉ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các tuyến đường của VEC. Việc tuần tra, xử lý vi phạm an toàn giao thông trên tuyến do Cục Cảnh sát giao thông phụ trách. Ban An toàn giao thông tỉnh Vĩnh Phúc thông báo các tồn tại về an toàn giao thông cho lực lượng cảnh sát giao thông triển khai.
Trước đó, Bộ GTVT cũng có văn bản yêu cầu VEC nâng cao trách nhiệm trong khắc phục sửa chữa hạ tầng giao thông trên các tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý bảo trì. Bộ GTVT cũng đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, nhắc nhở, song, việc sửa chữa hư hỏng chưa được VEC thực hiện kịp thời, chưa đảm bảo chất lượng khai thác tại một số vị trí trên tuyến cao tốc. Vì vậy, việc sớm kiểm tra, rà soát, sửa chữa tất cả các điểm phát sinh hư hỏng trên tuyến cao tốc này sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho lái xe và phương tiện.
Còn theo đại diện VEC, sau hơn 8 năm cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào sử dụng, mặc dù được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, nhưng với việc hàng ngày tiếp nhận số lượng lớn phương tiện có tải trọng lớn, đã và đang dẫn đến một số hạng mục, khiến mặt đường bị đã xuống cấp, hư hỏng. Việc sửa chữa lớn mặt đường trên toàn tuyến là nhu cầu cấp bách, VEC đang cân đối các khoản chi phí, đầu tư bảo trì để triển khai.