“Do vậy, việc sớm triển khai đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị sẽ mở ra cơ hội phát triển lớn đối với tỉnh Quảng Trị và khu vực Trung bộ”, Chủ tịch UBND Võ Văn Hưng nhấn mạnh.
Chủ tịch Võ Văn Hưng cho biết, đây là dự án quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của khu vực. Theo đó, tỉnh Quảng Trị đã huy động cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực khẩn trương lập, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhằm sớm hoàn thành các thủ tục thực hiện đầu tư, đặc biệt là phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và sớm khởi công nhằm khẳng định Quảng Trị được kết nối bằng đường hàng không, rút ngắn khoảng cách đi lại.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội.
Cùng với đó, đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực Trung bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng. Dự án đã được phê duyệt tại quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023.
Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị được xây dựng tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyên Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Cấp sân bay: 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II theo quy hoạch và đạt công suất theo dự báo khai thác của cảng hàng không đạt khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042; từ năm năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách và 25.500 tấn/năm; cấp cứu nguy, cứu hỏa: cấp 7.
Nhiều chuyên gia cũng đã góp ý về sự phù hợp đối với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phương án phân kỳ đầu tư dự án; việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.
Để làm rõ hơn sự cần thiết của việc đầu tư dự án, nhiều chuyên gia cũng đã đề cập đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là cần làm rõ thêm sự cần thiết của dự án trong việc hoàn thiện hệ thống cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg. Đồng thời, bổ sung thêm các cơ sở mang tính định lượng; đánh giá cụ thể về tác động của các dự án quan trọng có liên quan; trong đó, làm rõ tiến độ, các kịch bản ảnh hưởng…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, tỉnh Quảng Trị cần tập trung làm rõ hơn các phương án kỹ thuật, công nghệ, hệ thống cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ; về phương án tài chính; tổng mức đầu tư; mục tiêu, quy mô, công suất, phân kỳ, tổng mức đầu tư, thời hạn thực hiện, thời hạn hoạt động, thu hồi vốn, khả năng thu hồi vốn, hiệu quả đầu tư...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện báo cáo; tổ chức thực hiện đầu tư và khai thác hiệu quả, đảm bảo mục tiêu, quy hoạch của dự án góp phần thúc đẩy khu vực nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng phát triển mạnh mẽ, bứt phá hơn trong thời gian tới.