Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, đến cuối tháng 5, trên địa bàn tỉnh có tổng đàn hơn 237.000 con lợn, trên tổng số 84 trang trại; trong đó có hơn 96.000 lợn thịt và hơn 1.000 lợn nái. Toàn tỉnh có 30 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, với công suất 280 con lợn/ngày. Với công suất này, việc nhập lợn từ địa phương khác về địa bàn giết mổ, phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng là tất yếu.
Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng cũng là nơi quá cảnh việc vận chuyển lợn đến các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau bằng các tuyến đường trọng điểm là Quốc lộ 1A, Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ Nam Sông Hậu, chuyển lợn từ Trà Vinh sang địa bàn huyện Cù Lao Dung và Đại Ngãi (Long Phú) qua Quốc lộ 60. Đây đều là các tuyến đường trọng điểm, nên
UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Thành phố Sóc Trăng đang là điểm tiêu thụ thịt lợn lớn nhất của tỉnh. Nguồn thịt lợn từ các huyện đổ về khu vực này mỗi ngày. Vì vậy, để đảm bảo quản lý dịch bệnh tốt trên đàn lợn của tỉnh Sóc Trăng. UBND thành phố Sóc Trăng đã chỉ đạo Trạm chăn nuôi và thú y tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch, kiểm soát việc vận chuyển lợn sống, thịt lợn, phủ tạng và các sản phẩm từ lợn vào địa bàn thành phố. Đồng thời, Trạm chăn nuôi và thú y tăng cường kiểm tra nguồn thịt lợn tại các chợ, sản phẩm thịt lợn đông lạnh tại các kho bảo quản.
Trạm chăn nuôi và thú y sẽ xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, chế biến sử dụng nguồn thịt lợn không rõ nguồn gốc, giám sát chặt chẽ quy trình giết mổ lợn, xử lý tiêu hủy thịt lợn không chứng minh được nguồn gốc, không qua kiểm dịch, ông Châu Kiến Tường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sóc Trăng cho biết.
Trong các địa phương vùng ven tiếp giáp với Hậu Giang, Trà Vinh, người nuôi lợn tại huyện Kế Sách như đang ngồi trên đống lửa. Ông Nguyễn Văn Thường, xã Đại Hải, huyện Kế Sách cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Vì vậy, để phòng dịch, người nuôi lợn tại Kế Sách luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch bệnh do cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hạn chế tuyệt đối cho người lạ ra vào chuồng nuôi, thường xuyên phun thuốc sát trùng quanh chuồng.
Theo số liệu kiểm soát của ngành chăn nuôi tỉnh Sóc Trăng, tại chốt kiểm dịch Quốc lộ 1A, xã Đại Hải (Kế Sách) số lượng lợn thịt, lợn hậu bị và lợn con nhập vào tỉnh Sóc Trăng trong 5 tháng qua đạt hơn 66.500 con, xuất khỏi tỉnh đạt hơn 28.000 con, quá cảnh hơn 10.000 con.
Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng đã kiểm soát tại 2 chốt kiểm dịch tạm thời. Theo đó, chốt Quốc lộ Nam Sông Hậu đã kiểm soát 31 xe; trong đó có 27 xe lợn thịt và 4 xe lợn con. Tổng số lượng hơn 2.700 con. Tại chốt kiểm dịch Quản lộ Phụng Hiệp kiểm soát 401 xe, số lợn hơn 24.800 con.
Ông Lâm Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng thông tin, khi dừng kiểm tra các phương tiện vận chuyển, chi cục tiến hành xem các thủ tục hành chính về nguồn gốc lợn, khi có phiếu kiểm dịch, hợp lệ sẽ tiến hành phun thuốc sát trùng.
Đối với tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu (tuyến trên xuống) đã có chốt kiểm dịch nên việc vận chuyển lợn sang huyện Cù Lao Dung sẽ đảm bảo an toàn 100% lợn đã được kiểm dịch. Còn việc lợn có khả năng vận chuyển từ Trà Vinh sang Cù Lao Dung qua phà Đại Ngãi phía tỉnh bạn cũng đã có phương án chốt chặn kiểm tra các phương tiện vận chuyển lợn qua địa bàn.
Ngoài việc thực hiện nghiêm ngặt khâu kiểm tra, kiểm soát đàn lợn du nhập hoặc quá cảnh, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Sóc Trăng cũng tăng cường hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, hộ nuôi thực hiện biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng, các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cũng khuyến cáo người nuôi tuyệt đối không nhập con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, kiểm soát tốt nguồn thức ăn, phương tiện vận chuyển ra vào trại…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cũng tuyên truyền đến các hộ dân về cách phòng tránh, bằng việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, vận động hộ chăn nuôi thực 5 không, gồm: không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn chết, không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết, không vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.